Marketing Xu hướng tiêu dùng thời hậu khủng hoảng (Phần 3)

Xu hướng tiêu dùng thời hậu khủng hoảng (Phần 3)

18
Dù có nhiều điểm chung với xu hướng tiêu dùng “xanh” nhưng xu hướng tiêu dùng đạo đức có vẻ khó đi sâu vào văn hóa và nhận thức của người tiêu dùng nói chung. 

Xu hướng dừng hẳn
7. Xu hướng tiêu dùng có đạo đức
Những sản phẩm “thương mại bình đẳng”, được sản xuất tại địa phương, hay trứng gà từ gà thả rông thường đắt hơn các sản phẩm truyền thống. Dù có nhiều điểm chung với xu hướng tiêu dùng “xanh” nhưng tiêu dùng đạo đức khó đi sâu vào văn hóa và nhận thức của người tiêu dùng.
Năm qua, các hoạt động quyên góp từ thiện của những tổ chức như Hội Chữ thập đỏ chứng kiến mức giảm hai con số. Khi người ta chỉ tập trung lo cho cái ăn của con cái mình, lo cho mái nhà họ đang trú ngụ thì quan tâm đến những trẻ em khác trên thế giới hay bảo vệ động vật sẽ nằm ở cuối danh sách ưu tiên.
Khi kinh tế phục hồi, chúng tôi hy vọng xu hướng này sẽ dần trở lại. Khi niềm tin trở về với người tiêu dùng, đầu tiên người ta sẽ mua những thứ mà họ cần, sau đó mới dần trở lại với thói quen mua sắm có đạo đức thời tiền suy thoái.

8. Xu hướng tìm kiếm những trải nghiệm tột độ
Bên cạnh sở hữu vật chất, nhu cầu có được những trải nghiệm thư giãn hay tột độ đã có được chỗ đứng vững vàng trước khi suy thoái diễn ra. Những trải nghiệm với giá tương đối rẻ, tiết kiệm và có khả năng kết nối con người với thiên nhiên sẽ phát triển mạnh mẽ.
Trong khi đó, những loại trải nghiệm tột độ vốn thường đắt đỏ, nguy hiểm, phù phiếm và tàn phá môi trường như chạy xe đua hay thậm chí du hành vào không gian, đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ ý thức trách nhiệm và tính nghiêm túc trong giai đoạn suy thoái.
Xu hướng này khá mới mẻ nên chúng tôi phải sử dụng bằng chứng từ các cuộc suy thoái trước để mô tả quỹ đạo phát triển của nó. Chẳng hạn, những chuyến du hành đường dài giảm 9% vào đầu giai đoạn suy thoái thập niên 1990 trong khi du lịch cự ly ngắn lại thực sự được nhiều người ưa chuộng.
Theo khảo sát của chúng tôi, người tiêu dùng cảm thấy những trải nghiệm tột độ hấp dẫn bởi chúng khiến họ cảm thấy khác biệt. Tuy nhiên, xu hướng tiêu dùng có phần “chơi trội” này không được ưa chuộng như xu hướng đơn giản và tiết kiệm, và nó khó lòng phục hồi sớm.
Nền kinh tế khó đoán và người tiêu dùng lại hay thay đổi. Tuy nhiên, chúng tôi tin tưởng vào tính đúng đắn của những xu hướng được mô tả trên đây, và chúng sẽ phần nào giúp các chuyên gia marketing tìm ra phương hướng. Đặc biệt, tôi tin rằng bộ phận người tiêu dùng trưởng thành trong giai đoạn khủng hoảng lần này sẽ giống như ông cha họ ở thời điểm Đại khủng hoảng mà tiếp tục duy trì hành vi, thái độ tiêu dùng hiện tại đến cuối đời.
Vài thập niên tới, một số người sẽ quay về với các mô thức tiêu dùng thời kinh tế bùng nổ trong khi hàng triệu người dưới 35 tuổi bước vào giai đoạn khủng hoảng này sẽ duy trì thói quen tiêu dùng đơn giản, tiết kiệm, “xanh” nhưng cũng dễ thay đổi và họ cũng đặt ra các tiêu chuẩn rất cao cho doanh nghiệp. Do đó, các doanh nghiệp hãy nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng một cách khôn ngoan và sẵn sàng phục vụ họ.

Theo Paul Flatters và Michael Willmott