Marketing Cạnh tranh phân phối thị trường Đông Nam bộ

Cạnh tranh phân phối thị trường Đông Nam bộ

27
Các chuyên gia nhận xét, thị trường nội địa nói chung, khu vực miền Đông Nam bộ nói riêng có tiềm năng rất lớn để doanh nghiệp trong nước khai thác.
Tuy nhiên, quan ngại cũng không nhỏ do hệ thống phân phối còn nhiều yếu điểm, trong khi phải chạy đua, cạnh tranh với các tập đoàn bán lẻ hàng đầu thế giới đang xuất hiện ngày một nhiều.

Giữa truyền thống và hiện đại
Ông Vũ Quốc Chinh, chuyên gia thị trường của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) ước tính: người dân 5 tỉnh gồm: Bình Dương, Tây Ninh, Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu, Bình Phước có mức chi tiêu khá lớn trong hàng tháng, gần bằng với mức thu nhập. Theo con số so sánh của ông Chinh thì Bình Dương có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất trong nhóm với 2,698 triệu đồng/tháng (thời điểm năm 2010), chi tiêu bình quân đầu người cũng cao nhất với mức 2,064 triệu đồng/tháng. Còn cả khu vực miền Đông Nam bộ thì cũng có mức thu nhập và chi tiêu cao nhất trong các khu vực khác của cả nước. Từ mức chi tiêu này và căn cứ vào dân số của các tỉnh nói trên thì ông Chinh ước tính tổng mức chi tiêu dùng của cả 5 tỉnh lên đến 118.973.000.000 đồng/năm. Con số này nói lên mức chi tiêu của người tiêu dùng là rất lớn, một thị trường đầy tiềm năng cho các doanh nghiệp sản xuất các loại hàng hóa.

5 thách thức trong hoạt động phân phối
Theo các chuyên gia, hiện có 5 thách thức trong hoạt động xúc tiến phân phối tại thị trường miền Đông. Đó là người tiêu dùng ngày càng khôn ngoan hơn nên đòi hỏi cao hơn; doanh nghiệp phân phối nước ngoài ưu thế về hàng hóa, dịch vụ và tâm lý hơn; chợ truyền thống thiếu chuyên nghiệp, kém văn minh, không được tổ chức bài bản; chưa có các doanh nghiệp Việt Nam lớn, xây dựng mạng lưới mạnh và tạo dựng thương hiệu vững chắc cho mình; hệ thống thông tin yếu, không cập nhật, rời rạc, manh mún thiếu điều phối nhất quán. Để khắc phục cần thực hiện 5 giải pháp như: Lắng nghe – Thấu hiểu người tiêu dùng bằng các chương trình nghiên cứu bài bản; liên kết thúc đẩy phong trào vận động “người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” bằng các hoạt động thiết thực, chú trọng nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của phân phối; kết hợp giữa các địa phương với nhau và với các doanh nghiệp mạnh xây dựng hệ thống phân phối chuyên nghiệp, văn minh ưu tiên cho Hàng Việt; liên kết truyền thông tiếp thị, quảng bá chung cho hàng Việt và các địa phương trong khu vực; nâng cao chất lượng chuỗi Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao và tích cực phát triển thêm các sự kiện thiết thực khác cho Hàng Việt.
Về hệ thống phân phối để hàng hóa đến với tay người tiêu dùng chủ yếu thông qua 2 kênh chợ truyền thống và siêu thị, trung tâm thương mại. Cả khu vực 5 tỉnh miền Đông có hơn 500 chợ truyền thống và hàng chục siêu thị, trung tâm thương mại. Tuy nhiên, chợ truyền thống dù rất nhiều nhưng thiếu chuyên nghiệp và kém văn minh; hệ thống thông tin về kênh phân phối còn yếu, manh mún, rời rạc. Trong khi đó, người tiêu dùng đang ngày có những đòi hỏi cao hơn trong mua sắm tiêu dùng. Trong 2 loại hình phân phối giữa kênh truyền thống và hiện đại này hiện đang cạnh tranh gay gắt trên thị trường. Đại diện Sở Công Thương tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nhận xét một cách thực tế nhưng xót xa rằng, ít có doanh nghiệp hàng Việt nào mở được mạng lưới bán hàng phủ đầy đủ ở hơn 500 chợ, hơn 40 siêu thị và trung tâm thương mại của 5 tỉnh miền Đông. Trong khi đó, kênh mua sắm quen thuộc của người dân ở miền Đông là chợ nhưng hàng ở chợ lại ở mức trung bình và thấp, chợ nông thôn lại chủ yếu chỉ hoạt động trong buổi sáng.
Riêng tỉnh Bình Dương hiện nay đã có 86 chợ, trong đó 56 chợ ở khu vực đô thị và 30 chợ ở vùng nông thôn, với tổng số 9.837 quầy sạp và 975 ki ốt. Có 7 siêu thị, trung tâm thương mại, 10 siêu thị kinh doanh tổng hợp và 11 siêu thị chuyên doanh đang hoạt động với nhiều chủng loại mặt hàng đa dạng, phong phú. Hầu hết đều tập trung ở khu vực đô thị như TX.Thủ Dầu Một, Thuận An, Dĩ An và huyện Bến Cát. Tất nhiên, các hoạt động phân phối hàng hóa ở đây cũng không nằm ngoài hình thức giống như các tỉnh miền Đông khác.

Giữa nội địa và nước ngoài
Một đại diện của ngành công thương tỉnh Đồng Nai cho rằng, hiện nay trung tâm thương mại, siêu thị đang lấn át các chợ truyền thống, đặc biệt hầu hết các trung tâm thương mại và siêu thị quy mô lớn lại toàn của các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong những năm gần đây các siêu thị, trung tâm thương mại của các nhà đầu tư trong nước xuất hiện ngày càng nhiều nhưng cũng chỉ chiếm khoảng trên dưới 30% thị phần bán lẻ hiện đại. Các siêu thị, trung tâm thương mại nội điển hình như: Hapro Mart, Saigon Co.op, Fivimart, Citimart… và chủ yếu tập trung ở TP.HCM và Hà Nội. Trong khi đó, sự có mặt của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài tại Việt Nam ngày càng nhiều đang tạo ra sự cạnh tranh khốc liệt với các doanh nghiệp trong nước, với những thương hiệu nổi tiếng như: Metro, Big C, Parkson, Lotte, Louis Vuiton…, họ cũng đã có mặt ở nhiều tỉnh, thành khác ngoài Hà Nội và TP.HCM.
Điểm nổi trội của các tập đoàn này ai cũng biết là tiềm lực tài chính lớn, nguồn hàng phong phú, đa dạng, trình độ quản lý, kỹ năng tiếp thị, quảng cáo, chiến lược kinh doanh chuyên nghiệp và có lợi thế về chi phí và giá bán. Ngược lại, khi đối đầu cạnh tranh thì đây lại là thiệt thòi cho doanh nghiệp sản xuất và hệ thống phân phối của nội địa.
Ông Lê Văn Trí, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam: Khi thị trường “co” lại, mình phải tìm cách “nở” ra
Trong phát triển thị trường, cần chú ý đến giá thành rẻ, chất lượng, mẫu mã đẹp, đa dạng, số lượng nhiều có thể đáp ứng mọi nhu cầu. Công ty chúng tôi cũng tổ chức liên kết với các sản phẩm cùng loại để cung cấp một cách tiện lợi nhất cho người tiêu dùng. Các doanh nghiệp cũng phải cần liên kết với nhau, đó là tất yếu. Ngoài việc doanh nghiệp phải làm những việc quan trọng để phát triển thị trường thì cơ quan chức năng cũng cần có các hoạt động tại địa phương mình để người tiêu dùng biết được thông tin, hỗ trợ cho doanh nghiệp.
Năm 2012 dự báo kinh tế và thị trường tiếp tục khó khăn nhưng bản thân doanh nghiệp phải biết xoay trở trong điều kiện khó đó mới đứng vững được. Đối với Công ty Cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam thì chúng tôi tìm kiếm thị trường đa dạng hơn, đưa ra nhiều sản phẩm mới hơn, khi thị trường co lại mình phải tìm cách để nở ra, tự cân đối doanh số với thị phần. Thị trường miền Đông là trọng điểm và là nơi công ty đang đứng chân. Đây là thị trường gần nên chúng tôi có cách phân phối khác so với những khu vực xa hơn. Lúc đầu chúng tôi phân phối theo kênh truyền thống sau đó đến hiện đại và các điểm bán lẻ trên thị trường, làm sao phải giữ cho được thị phần. Hiện nay chúng tôi cũng đã đầu tư xây dựng thêm một nhà máy sản xuất lốp xe tại Tân Uyên, Bình Dương, cung cấp cho thị trường trong nước khoảng 30%, công suất 1 triệu lốp xe/năm, kinh phí đầu tư là 3.500 tỷ đồng và sử dụng khoảng 700 công nhân.

Theo Kỳ Tân