Doanh nghiệp thương mại điện tử có nguy cơ bị thâu tóm.

Thừa nhận khó có thể tồn tại nếu không có sự rót vốn của đối tác nước ngoài, nhưng về lâu dài, doanh nghiệp (DN) thương mại điện tử có nguy cơ bị thâu tóm.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư về cơ hội nào cho các DN làm thương mại điện tử trong năm 2013, ông Nguyễn Hòa Bình, Tổng giám đốc Peacesoft khẳng định, trong năm 2012, rào cản cuối cùng cho phát triển thương mại điện tử là khâu thanh toán, vận chuyển và giao hàng thu tiền đã được hoàn thiện và các giao dịch thương mại điện tử trở nên thực sự trực tuyến. Do đó, theo ông Bình, đây sẽ là tiền đề tốt để đảm bảo thúc đẩy sự phát triển và bùng nổ của thương mại điện tử trong tương lai gần.

Tuy nhiên, điều mà ông Bình và lãnh đạo các website thương mại điện tử khác như vatgia.com; 123mua.vn đang trăn trở, đó là nguy cơ bị thâu tóm bởi các đại gia nước ngoài. Lý do là, hầu hết DN thương mại điện tử có tên tuổi của Việt Nam như Peacesoft, VCCorp, VTC Online, Vatgia.com, VNG đều đang sống dựa vào sự hỗ trợ tài chính của đối tác nước ngoài.

Theo ông Bình, trong thời kỳ hội nhập, việc thu hút đầu tư của các tập đoàn nước ngoài để mở rộng thị trường, gia tăng cạnh tranh là tích cực. Điều này giúp DN trong nước mở rộng thị trường. Peacesoft đang sử dụng vốn góp của 3 cổ đông nước ngoài là Softbank; IDG Ventures và ebay.com. “Đối tác nước ngoài với nguồn vốn, kinh nghiệm và công nghệ tốt hợp tác với DN trong nước với lợi thế am hiểu thị trường bản địa là điều kiện thuận lợi cho thị trường phát triển tại Việt Nam”, ông Bình cho biết.

Mặc dù khẳng định một cách khá chắc chắn về những ích lợi khi có sự “chống lưng” của đối tác ngoại, nhưng ông Bình cũng thừa nhận: “Nếu không tỉnh táo, về lâu dài, DN làm thương mại điện tử lớn sẽ bị đối tác nước ngoài thâu tóm và không còn là của người Việt Nam nữa”.

Cùng chung trăn trở, ông Nguyễn Ngọc Điệp, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Vật giá (chủ sở hữu website thương mại điện tử vatgia.com) cho biết, nếu dựa quá nhiều vào đối tác ngoại, rất có khả năng các DN thương mại điện tử Việt Nam sẽ bị thâu tóm. Vì theo ông Điệp, trong thời gian qua, các đối tác nước ngoài đã đầu tư vào các DN thương mại điện tử Việt Nam ngay từ khi các DN này mới chập chững bước chân vào thị trường và khi các công ty này đạt đến một quy mô nhất định, các đại gia nước ngoài khác sẽ nhảy vào đầu tư vòng hai.

Thực tế cũng đã chứng minh điều này, khi gần đây, Intel Capital và Duxton đã chính thức công bố đầu tư vào VC Corp và VTC Online, sau khi hai DN này đã đạt được những kết quả kinh doanh khả quan và có chỗ đứng trên thị trường. Trong đó, Duxton đã không ngại ngần bỏ ra tới 10 triệu USD bằng tiền mặt để cùng với IDG Ventures và Tổng công ty Truyền thông đa phương tiện (VTC) trở thành ba cổ đông lớn của VTC Online.

Còn với ông Lê Hồng Minh, Tổng giám đốc VNG, câu chuyện bị đối tác nước ngoài thâu tóm được phản ánh qua việc, các DN thương mại điện tử Việt Nam đang chịu sức ép lớn từ đối tác nước ngoài. Theo ông Minh. Google đang là phương tiện phân phối, truyền tải thông tin tốt nhất, nên hệ lụy là, khi tìm kiếm thông tin về một sản phẩm, dịch vụ nào đó, người dùng không vào thẳng trang thương mại điện tử để tìm kiếm thông tin, mà lại sử dụng công cụ tìm kiếm Google. Do đó, ông Minh cho rằng, nhà cung cấp dịch vụ sản phẩm có thể sẽ ưu tiên lựa chọn Google để hợp tác, thay vì hợp tác với các website thương mại điện tử Việt Nam.

Theo Đức Huy