Ngày 15/4, cả thế giới cùng tưởng niệm 100 năm ngày tàu RMS Titanic bị chìm. Nhưng điều này thì có liên quan gì đến công việc làm ăn của bạn? Có đấy. Nhiều là đằng khác!
Một con tàu rẽ sóng giữa đại dương có thể ví như một doanh nghiệp đang làm ăn suôn sẻ. Và là thuyền trưởng của con tàu đó, bạn sẽ không bao giờ muốn nó gặp thảm họa như tàu Titanic.
Dưới đây là 5 bài học chúng tôi đúc kết từ vụ tàu Titanic. Bạn hoàn toàn có thể áp dụng chúng cho doanh nghiệp mình để tránh rơi vào số phận bi đát ấy.
1. Hãy xem mình đang đi đâu
Thủy thủ đoàn tàu Titanic đã không dè chừng những tảng băng chìm – một sai lầm nghiêm trọng trong bối cảnh tàu lớn như thế thì không thể quay đầu nhanh được. Họ thiếu cẩn trọng đến mức chết người vì cứ tin rằng băng chẳng bao giờ xuất hiện vào thời điểm đó. Nhưng nghiên cứu đã phát hiện ra rằng cách ngày định mệnh của Titanic gần 3 tháng đã xảy ra hiện tượng “siêu trăng” – lần đầu tiên trăng tới điểm gần địa cầu nhất và nằm trên một trục thẳng với trái đất và mặt trời – làm lực hút lên địa cầu tăng vọt, dẫn tới sự hình thành thủy triều cực lớn đẩy những tảng băng khổng lồ ngoi lên và di chuyển về phía lộ trình của con tàu Titanic.
Câu chuyện này làm tôi nhớ đến những gì đã xảy ra với ngành cho thuê băng video cách đây hai chục năm. Lúc đó, đã có nhiều dấu hiệu cho thấy dòng sản phẩm kỹ thuật số đang tấn công thị trường băng video. Thế nhưng các doanh nghiệp thuộc trường phái cổ điển vẫn ‘đường ta ta cứ đi’ và phớt lờ những gì đang diễn ra. Hậu quả là họ nhanh chóng sập tiệm sau khi bị các đối thủ mới ‘nẫng tay trên’ toàn bộ khách hàng.
Vì thế, hãy luôn để ý đến những xu hướng mới của thị trường nếu bạn không muốn doanh nghiệp của mình rơi vào tình cảnh ‘trở tay không kịp’.
2. Đừng chủ quan
Thời đó, Titanic được quảng cáo là con tàu ‘không thể chìm”. Nhưng kết cục như thế nào thì ai cũng biết. Do đó, bản thân các doanh nghiệp cũng đừng bao giờ nghĩ rằng mình ‘bất khả chiến bại’. Chẳng có ai là không có điểm yếu cả và chẳng có gì là vĩnh cửu cả. Vấn đề là nếu doanh nghiệp tính toán thật kỹ những rủi ro có thể xẩy ra – kể cả những cái khó lường nhất – và chuẩn bị tâm lý để đương đầu với những rủi ro ấy, họ có thể hạn chế tối đa những hệ lụy phát sinh.
3. Lường trước vấn đề
Vụ tàu Titanic chìm có lẽ đã không để lại những hậu quả thảm khốc như vậy nếu có đủ phao cứu sinh cho tất cả mọi người. Theo Công ty RMS Titanic – công ty trục vớt và khôi phục các kỷ vật từ xác con tàu – luật thời đó không quy định số phao theo kích cỡ tàu, vì thế, những người làm ra tàu Titanic đã lách luật để tiết kiệm diện tích và giảm chi phí.
Và hậu quả của việc coi trọng lợi nhuận hơn cả sự an toàn đó đã khiến hơn 1,500 con người phải bỏ mạng giữa biển khơi. Chúng tôi hi vọng rằng những sai lầm trong kinh doanh của bạn sẽ không để lại những hậu quả thương đau về người như thế. Nhưng nếu doanh nghiệp của bạn có nhà máy, có cơ sở vật chất, bạn nhất định phải rèn cho nhân viên kỹ năng thoát hiểm và luôn kiểm tra tình trạng hoạt động của các thiết bị báo cháy và các lối thoát hiểm để đảm bảo không có gì đáng tiếc xảy ra.
4. Đừng quên đào tạo
Sự thiếu chuẩn bị của thủy thủ đoàn và hành khách đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ cứu nạn, cứu hộ trên tàu Titanic. Họ không được tập sử dụng áo phao trước khi tàu ra khơi và cũng không được chuẩn bị tinh thần sẽ làm gì khi thiếu áo phao. Điều này đã dẫn đến tình trạng hỗn loạn khi tàu chìm và vì thế số người được cứu cũng ít hơn. Tương tự, một doanh nghiệp dù tốt đến đâu cũng không thể hoạt động êm xuôi nếu nhân viên của doanh nghiệp ấy không biết phải làm gì và làm như thế nào.
5. Hãy lo những cái lớn trước
Thành ngữ “xếp ghế trên tàu Titanic” giờ hay được dùng để phê phán lối nhìn thiển cận, chỉ biết nhăm nhăm vào những cái vụn vặt trước mắt mà quên đi những việc lớn phải làm. Tôi đã gặp không ít doanh nghiệp như thế. Khi tàu chìm thì cứ ‘đi xếp ghế’ trong khi việc quan trọng nhất là xuống phòng máy và tìm hiểu nguyên nhân tại sao thì lại không làm.
Theo kienthuckinhte