“Sếp” giỏi phải biết tung hết “chiêu”

Một người lãnh đạo có Tầm là người biết dùng người có Tài vào đúng vị trí, quá trình phát triển của doanh nghiệp.
Đó là kết luận ngắn ngọn mà GS Đặng Hùng Võ đã chia sẻ với các CEO, các lãnh đạo doanh nghiệp trong buổi Hội thảo “TÂM và Tầm của người lãnh đạo” do Khoa Quản trị Kinh doanh (HSB) – ĐHQGHN tổ chức ngày 08/09/2012. Hội thảo trên nằm trong chuỗi hội thảocủa chương trình Mini MBA của Viện Quản trị Kinh doanh (FSB) – ĐH FPT.
Cán bộ lãnh đạo phải xứng Tầm, tại sao vậy? Đơn giản, có đủ Tầm, đủ sức mới lãnh được, mới đề ra kế hoạch sát đúng, mới kiểm tra được thuộc cấp. Cái Tâm thì giống nhau nhưng cái Tầm thì hoàn toàn khác nhau.
Trong buổi hội thảo GS Đặng Hùng Võ nhấn mạnh đến chữ TÂM và TẦM trong quá trình phát triển của lịch sử, ở từng giai đoạn khác nhau lại có cách thức vận dụng khác nhau. Thời phong kiến, chữ TÂM luôn được đặt lên hàng đầu, còn chữ TẦM hay nói cách khác là chữ TÀI chỉ là phụ.
Ngay cả ở những khu vực, xã hội cũng quan niệm về Tâm và Tài cũng khác nhau. Vì thế đã tạo ra sự phát triển khác nhau. Chẳng hạn ở xã hội Châu Âu, Bắc Mỹ chữ TÀI luôn được coi trọng, còn chữ TÂM chỉ là phụ, miễn sao người lãnh đạo không quá phạm vào những chuẩn mực đạo đức của xã hội.
Do đó, xã hội Châu Âu, Bắc Mỹ luôn tạo được động lực phát triển mạnh mẽ, khác với xã hội phương Đông luôn có sự kìm hãm sự phát triển do chữ TÂM được đề cao.
Tuy nhiên, trong quá trình phải triển của lịch sử, Châu Á cũng đang có phần thay đổi trong đó có Việt Nam. Chữ TÀI đang được đề cao hơn. Vậy nên, người lãnh đạo phải thể hiện cái TẦM như thế nào cho đúng, cho đủ, và khiến những người xung quanh cảm thấy nể phục?
Nói đến cái TÀI của người lãnh đạo một doanh nghiệp, GS Võ cho rằng: “Một lãnh đạo doanh nghiệp biết dùng người Tài thực sự là người phải biết dùng người mà không sợ “đứt tay”. Là người thầy biết truyền hết kinh nghiệm cho trò. Bản lĩnh của một người lĩnh đạo là có dám tung hết “chiêu” của mình không.”.
Tuy nhiên, trong thực tế GS Võ nói: “ Ở Việt Nam hiện nay rất hiếm người lãnh đạo dám truyền hết 100% cho trò mà bao giờ cũng phải giữ lại 20%. Vì thế nó kiềm chế sự phát triển. Người lãnh đạo phải biết truyền hết tất cả những gì mình có cho trò mới có động lực để tìm ra cái mới. Có như thế mới có động lực để phát triển.”
Còn bàn về cái TÂM của người lãnh đạo doanh nghiệp hiện nay, GS Võ cho rằng, cái TÂM trong người lãnh đạo phải thể hiện ở chỗ đảm bảo được sự công bằng. Ví dụ như vấn đề lương, thưởng trong doanh nghiệp, ở phương Tây trong mỗi doanh nghiệp không ai biết lương, thưởng của ai. Họ không muốn tạo ra sự mất cân bằng.
Vì thế, Giáo sư kết luận, trong kỷ nguyên phát triển hiện nay thì cái TÀI phải được đặt lên trước cái TÂM. Có như thế mới tạo được động lực phát triển. Trong khối doanh nghiệp để chọn người TÀI, có nhu cầu sử dụng người TÀI là nhiều hơn.
Người lãnh đạo giỏi phải biết sử dụng người TÀI vào đúng chỗ, biết tận dụng hết cỡ. Còn chữ TÂM thì không phải là chủ yếu, chỉ cần không phạm vào những chuẩn mực của xã hội.
Có nhiều vị lãnh đạo đặt vấn đề, vậy làm sao để tìn được người TÀI? GS Võ cho biết, doanh nghiệp là nơi dễ nhất để phát hiện người TÀI vì không bị hạn chế về pháp luật. Doanh nghiệp đi tìm người TÀI phổ biến nhất là thông qua phỏng vấn, chứ không có tiêu chí nào. Với một người lãnh đạo cần có sự “nhảy cảm” để sử dụng đúng người, đúng việc.

Theo doanhnhan360.com