Phần lớn cuộc phỏng vấn bắt đầu bằng những câu hỏi cởi mở, thân thiện có tính chất “phá băng”. Ví dụ như: Từ nhà bạn đến đây bao xa? Bạn thấy công ty ngay chứ? Bạn tìm chỗ đỗ xe có khó không?…
Những câu hỏi này chỉ cần câu trả lời: Vâng, không có vấn đề gì. Nhưng bạn đừng nghĩ là chúng dễ quá mà muốn nói gì thì nói.
Một câu trả lời “thành thật” kiểu: Tôi mất quá nhiều thời gian để đến đây, giao thông ở khu vực này thật kinh khủng sẽ làm bạn “mất điểm” ngay từ phút đầu tiên. Người phỏng vấn lập tức nghĩ rằng đây là nơi bạn sẽ phải làm việc hằng ngày, và với thái độ như vậy bạn có thể thường xuyên đi trễ.
Một nhà tuyển dụng tiết lộ: “Kỹ thuật phỏng vấn của tôi là làm cho các ứng viên ở vào trạng thái thoải mái như đang trao đổi với bạn bè, như thế họ sẽ nói cho tôi tất cả mọi thứ. Rất nhiều bạn trẻ bị lẫn lộn trong trường hợp này. Họ bắt đầu nghĩ: “Ông ấy thật dễ gần!”, và thế là họ đi quá giới hạn. Nên nhớ đây là một cuộc tuyển dụng, và bạn luôn phải thể hiện phẩm chất chuyên nghiệp của mình”.
Nhiều người thất bại ở những cuộc phỏng vấn, như thể là các câu hỏi quá bất ngờ. Thực ra, các câu hỏi hoàn toàn có thể dự đoán được, kể cả những câu khó nhất. Bạn hãy thử xem:
1. Tại sao chúng tôi nên nhận bạn vào vị trí này?
Hãy tổng kết ngắn gọn những phẩm chất cho thấy bạn đáp ứng yêu cầu của nhà tuyển dụng. Đây là những năng lực bạn có thể đóng góp cho công ty và cũng chính là cái mà công ty tìm kiếm khi nhận bạn. “Tôi đã học 4 năm về nghề báo ở trường đại học, đã thực tập tại các báo…, có hàng trăm bài báo đã đăng trên… Tôi tin rằng mình sẽ là một phóng viên tích cực trong tòa báo của ông/bà”.
2. Tại sao bạn chọn công ty chúng tôi mà không phải những công ty danh giá khác mà bạn đã từng thực tập và cộng tác?
Đừng dại dột trả lời vì các công ty kia chưa cần tuyển, mà bạn thì đang cần việc nên ở đâu đăng tuyển là bạn nộp đơn ngay. “Tôi nộp đơn vào vị trí này vì nó sẽ phát huy năng lực sáng tạo của tôi trong môi trường chuyên nghiệp và thân thiện. Tôi cũng nhìn thấy cơ hội phát triển nghề nghiệp ở đây rất rộng mở. Chắc đó cũng là lý do ông/bà chọn công ty này?”.
3. Tại sao bạn rời bỏ công ty bạn đang làm?
99,9% câu hỏi này sẽ được đặt ra nếu bạn đang làm ở một công ty khác. Lý do thật sự của bạn có thể vì lương bổng không thỏa đáng, vì có khúc mắc với đồng nghiệp, hoặc đơn giản là công việc gây quá nhiều áp lực với bạn. Nhưng đừng coi câu hỏi này là dịp để bạn thổ lộ ấm ức bấy lâu. “Sau một năm làm việc, tôi đã thu được khá nhiều kinh nghiệm làm việc tập thể. Giờ tôi muốn tìm một công việc có khả năng phát huy tính sáng tạo độc lập để hoàn thiện thêm kỹ năng nghề nghiệp của mình”.
4. Điểm yếu của bạn là gì?
Đừng nói rằng: “Tôi chẳng có điểm yếu nào cả”. Mọi người đều có điểm yếu. Với câu trả lời như thế, người tuyển dụng có thể đánh giá bạn là quá tự mãn. Sao không giải quyết câu hỏi khó này bằng cách nói về… điểm mạnh của bạn nhưng ở góc độ khác. Ví dụ như: “Tôi làm việc quá cầu toàn. Tôi hơi quá bận tâm đến tất cả các chi tiết, bởi vì tôi luôn muốn nhìn rõ toàn bộ vấn đề”.
5. Hãy kể về một thất bại của bạn trong quá khứ, ở trường học hoặc trong công việc trước đây?
Tất nhiên, mỗi người đều từng có vô số những thất bại. Bạn hãy chọn thất bại nào liên quan đến công việc nhưng không nghiêm trọng lắm. Điều quan trọng là phải chỉ ra bạn đã vượt qua thất bại đó như thế nào và học được gì từ kinh nghiệm để lần sau không đi lại vết xe đổ nữa.
Theo Thanh Niên