Là chủ một công ty tư nhân, tôi hiểu rất rõ khó khăn mà các doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam gặp phải khi xây dựng một đội ngũ nhân sự chuyên nghiệp, trong môi trường hội nhập quốc tế hiện nay.
Tôi đã có dịp đi thăm một số doanh nghiệp trong tổ chức Small Giants của Mỹ để học hỏi cách họ trở thành những Người khổng lồ bé nhỏ trong một nền kinh tế đứng đầu thế giới. Và tôi ấn tượng nhất với Beryl – công ty tư vấn sức khỏe qua điện thoại – cái tên quen thuộc với rất nhiều người dân Mỹ. Beryl được coi là “người khổng lồ bé nhỏ” trên đất Mỹ.
Ông Nguyễn Cảnh Bình, Chủ tịch Alpha Books.
Nhìn vào những thành tích mà Beryl công ty vừa và nhỏ chuyên cung cấp dịch vụ ứng cứu khẩn cấp và tư vấn về sức khỏe qua điện thoại 24/24h có trụ sở tại Bedford, Texas, Mỹ – đạt được chắc chắn nhiều người sẽ choáng ngợp. Bốn năm liên tiếp (2007-2010) đứng trong danh sách 5.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ phát triển nhất nước Mỹ với doanh số hơn 2 tỷ đôla mỗi năm trong khi đội ngũ nhân sự chỉ vẻn vẹn 400 người.
Hợp tác với hơn 500 bệnh viện lớn nhất ở Mỹ, Beryl là địa chỉ tin tưởng để rất nhiều người dân Mỹ gọi đến mỗi khi cần ứng cứu khẩn cấp, hoặc muốn được tư vấn về các thủ tục cũng như cách tiếp cận với các dịch vụ y tế tốt nhất. Beryl cung cấp hơn 7 triệu lượt tư vấn mỗi năm và hiện đang là công ty tư vấn sức khỏe số 1 tại Mỹ.
Vậy chìa khóa nào để mở cánh cửa thành công của Beryl? Đó là văn hóa. Văn hóa của Beryl là lấy đội ngũ nhân viên trung thành làm nền tảng. Quan điểm của Paul về vai trò của nhân viên trong sự phát triển của doanh nghiệp được thể hiện qua một lý thuyết do chính ông phát triển. Đó là vòng tròn tăng trưởng (Circle of Growth). Lý thuyết này được Paul áp dụng cho Beryl trong suốt 25 năm qua, và thành công của Beryl đã chứng minh cho tính đúng đắn của nó.
Tôi xin giải thích ngắn gọn vòng tròn này như sau: Paul cho rằng khi bạn chăm sóc tốt nhân viên, khiến họ hài lòng và muốn trung thành với bạn; thì họ sẽ chăm sóc tốt khách hàng, khiến khách hàng luôn trung thành với dịch vụ của công ty; lúc này lợi nhuận bền vững sẽ quy trở lại với bạn, giúp bạn có điều kiện đầu tư một phần lợi nhuận trở lại cho đội ngũ nhân viên và duy trì sự phát triển, tăng trưởng bền vững của công ty.
Có thể thấy cách điều hành, xây dựng văn hóa doanh nghiệp lấy nhân sự làm trọng tâm của Paul đã giải quyết được vấn đề nhân lực vốn nan giải đối với mọi lãnh đạo doanh nghiệp. Hơn thế nữa, Beryl lại là một công ty dịch vụ, tức là mỗi nhân viên tư vấn đều là tiếng nói của công ty. Beryl lựa chọn những nhân viên tin tưởng vào doanh nghiệp, thực sự muốn gắn bó với sự phát triển của công ty, trở thành một phần trong sự thành công của toàn công ty.
Tôi rất ấn tượng với nhân viên đầu tiên mà tôi gặp khi bước vào Beryl. Chị tên là Larra một phụ nữ trung tuổi có khuôn mặt rất sáng và luôn thường trực một nụ cười niềm nở tự nhiên. Tôi vừa đến chị đã chu đáo đưa cho tôi một tấm thẻ có thông tin cá nhân của tôi (được in sẵn từ trước) và không quên chỉ đường cho tôi đến phòng làm việc của CEO Paul. Larra đứng ở vị trí mà ở Việt Nam chúng ta thường gọi là – Lễ tân, còn ở Beryl Paul gọi đó là một vị giám đốc – giám đốc Ấn tượng đầu tiên (Director of first Impression). Đơn giản như vậy thôi, nhưng đó chính là cách mà Beryl trân trọng mỗi nhân viên của mình.
Trong câu chuyện với tôi, cũng như trong cuốn sách của mình: “Tại sao tất cả đều hài lòng?” – (Why everyone smilling?) Paul chia sẻ nhiều hành động và kinh nghiệm của ông trong việc quan tâm, chăm sóc và trân trọng đóng góp của nhân viên, như cách tự tay ông viết thiếp chúc mừng, hỏi thăm, và có nhiều hành động chia sẻ khi gia đình nhân viên có những sự kiện đáng ghi nhớ hay có chuyện buồn…
Ngoài những bữa tiệc vui vẻ kết nối gia đình các nhân viên, Beryl cũng có những chứng chỉ, buổi tiệc vinh danh những nhân viên có đóng góp tích cực cho sự phát triển của công ty, các hoạt động giúp nhân viên nâng cao năng lực, chăm sóc chính bản thân của nhân viên như: các buổi đào tạo, câu lạc bộ khuyến khích nhân viên tập thể dục nhằm đem đến vóc dáng chuẩn cho mình… Bằng việc chăm sóc và quan tâm đến nhân viên của mình, họ tạo ra niềm tin khăng khít giữa nhân viên với doanh nghiệp. Xây dựng một môi trường làm việc thân thiện, nhiệt huyết nơi mà mỗi nhân viên cảm thấy rõ nét sự thoải mái và vai trò của mình và để chăm sóc khách hàng cho Beryl tốt nhất.
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp bắt đầu với từng nhân viên, chắc chắc sẽ buộc doanh nghiệp phải chọn lựa từng người, chăm sóc từng người, thấu hiểu họ như một người thân. Quá trình rất cần sự đầu tư nghiêm túc về thời gian. Song những nỗ lực đó hoàn toàn xứng đáng để có một doanh nghiệp tăng trưởng bền vững, bởi văn hóa doanh nghiệp vững mạnh là chìa khóa để doanh nghiệp phát triển bền vững. Khi đã xây dựng được một đội ngũ nhân sự có chất lượng và tâm huyết với công việc, thì những người lãnh đạo doanh nghiệp cũng tránh được rất nhiều lãng phí cho mình cả về thời gian và tiền bạc.
Ở Việt Nam, tôi nhận thấy hiện nay niềm tin giữa doanh nghiệp và nhân viên bị sa sút nghiêm trọng. Thường khi phỏng vấn tuyển dụng các ứng viên trẻ đều đưa ra các câu trả lời làm hài lòng nhà tuyển dụng. Nhưng rất nhiều trường hợp, sau đó không lâu, từ 3 đến 6 tháng khi mà họ vừa mới bắt nhịp với công việc ở công ty, thì họ xin nghỉ việc. Rõ ràng với khoảng thời gian ngắn ngủi đó những nhân viên này chưa thể đóng góp được gì nhiều cho doanh nghiệp, thêm vào đó họ khiến nhiều người hướng dẫn, làn việc với họ bị lãng phí thời gian, kéo chậm sự phát triển của doanh nghiệp.
Phó giám đốc nhân sự của một công ty lớn có chia sẻ với tôi rằng tỷ lệ sa thải nhân sự hàng năm của họ là 10-20%. Tất nhiên đó là cách doanh nghiệp này chọn để tạo áp lực cho nhân viên, giúp doanh số luôn theo xu hướng tăng. Nhưng ở một góc độ khác, nhất là khi so sánh với cách xây dựng văn hóa doanh nghiệp của Beryl, tôi cho rằng đa phần nhân viên của công ty này luôn ở trong trạng thái không thoải mái. Đơn giản là vì họ không biết khi nào thì họ thuộc vào danh sách “giảm biên chế” của công ty. Tất yếu ở môi trường làm việc như vậy không thể có niềm tin, sự cống hiến và gắn bó lâu dài cùng phát triển với doanh nghiệp. Và với một đội ngũ nhân viên ngắn hạn trong một môi trường làm việc căng thẳng như vậy, chắc chắn doanh nghiệp của chúng ta cũng sẽ chỉ có những khách hàng chộp giật và tăng trưởng không thể bền vững.
Nếu nhìn ra những nền kinh tế phát triển hoặc những doanh nghiệp thành công trên thế giới chúng ta không thể phủ nhận vai trò tối quan trọng của văn hóa doanh nghiệp trong xu thế phát triển bền vững hiện nay. Việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp không thể một sớm một chiều hoặc manh nha, chắp vá.
Tôi hy vọng rằng kinh nghiệm quý giá của Beryl sẽ được nhiều doanh nghiệp Việt Nam đánh giá cao và áp dụng vào doanh nghiệp của mình; để Việt Nam trong tương lai gần sẽ sớm có nhiều người khổng lồ khẳng định được mình trong môi trường cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài.
Theo Vnexpress