Mỗi 100 USD thu về chịu khoảng 16 USD tiền thuế, phí và lãi 14 USD.
Vàng được giao dịch trên thị trường với một mức giá thống nhất, do đó, giá bán vàng của các công ty khai thác và sản xuất vàng là tương đương trong những khoảng thời gian giống nhau.
Giá bán vàng trong năm 2012 của các công ty vàng lớn vào khoảng 1660-1670 USD/oz.
Tuy nhiên, chi phí để sản xuất ra một ounce vàng lại có sự khác biệt rất lớn.
Thông thường, chi phí được phân loại gồm: chi phí sản xuất trực tiếp, khấu hao, các khoản thuế, chi phí thăm dò-khai thác chung, chi phí quản lý…
Chi phí sản xuất trực tiếp là một tiêu chí quan trọng thường được đem ra so sánh giữa các công ty vàng. Chi phí này giao động từ 500-900 USD/ounce trong năm vừa qua.
Những năm vừa qua, cùng với sự đi lên của giá vàng thì chi phí sản xuất vàng cũng tăng lên không kém.
Đối với Besra, công ty vàng Canada sở hữu 2 mỏ vàng lớn ở Việt Nam là Bồng Miêu và Phước Sơn thì trong kỳ kế toán từ 1/7/2012 đến 31/3/2013, chi phí sản xuất trực tiếp bình quân của họ là 767 USD/oz, tương đương 46% doanh thu.
Trong thời gian trên, họ đã bán được 36,4 nghìn ounces vàng với giá bán bình quân là 1.663 USD/ounce.
Ngoài chi phí sản xuất thì khấu hao chiếm đến 398 USD, tương đương 24%. Thuế tài nguyên chiếm 11% và thuế môi trường chiếm 5%; tính chung, các khoản thuế này tốn 270 USD.
Trừ đi các chi phí, lợi nhuận trước thuế trên mỗi ounce vàng là 228 USD, tương đương 13,7% doanh thu.
Bản thân trong 2 nhà máy của Besra, chi phí sản xuất cũng rất khác nhau. Chi phí sản xuất ra một ounce của nhà máy Phước Sơn chỉ có 710 USD trong khi Bồng Miêu lên đến 910 USD.
Chi phí khấu hao của Bồng Miêu cũng cao hơn hẳn. Tuy nhiên, Phước Sơn chịu thuế tài nguyên 15% trong khi Bồng Miêu chỉ chịu thuế suất 3%.
Các nhân tố trên làm cho lợi nhuận trên một ounce vàng tại Phước Sơn đạt 241 USD trong khi Bồng Miêu thấp hơn 24%, đạt 183 USD.
Dù 2 công ty con tại Việt Nam có lãi nhưng Besra vẫn liên tục thua lỗ do phải đầu tư cho các hoạt động tiền sản xuất ở Philippines và Malaysia.
Theo Trí Thức Trẻ