Sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính, mặc dù chịu ảnh hưởng của cuộc suy thoái và khủng hoảng kinh tế thế giới, kinh tế Thủ đô tiếp tục tăng trưởng với tốc độ cao.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, các ngành dịch vụ, công nghiệp xây dựng, nông lâm thủy sản phát triển toàn diện.
Ông Ngô Văn Quý, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hà Nội cho biết, sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15, kinh tế Thủ đô luôn duy trì tăng trưởng với tốc độ cao, bình quân đạt 9,45% mỗi năm. Nhờ vậy, bình quân thu nhập đầu người là 2.257 USD vào năm 2012, tăng 1,3 lần so với 1.697 USD vào năm 2008.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Hà Nội luôn đạt mức tăng gấp 1,5 lần so với tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước. Bên cạnh đó, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Hà Nội 6 tháng đầu năm 2013 tăng 7,67% so với cùng kỳ năm 2012, cao hơn mức tăng 7,6% của cùng kỳ năm ngoái, trong đó, khu vực nông-lâm-thuỷ sản tăng trưởng 2,95%; công nghiệp-xây dựng tăng 7,46%; dịch vụ tăng 8,5%.
Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: tỷ trọng các ngành dịch vụ, công nghiệp-xây dựng tăng, tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm. Nếu cơ cấu năm 2008 là: dịch vụ 52,1%; công nghiệp-xây dựng 41,4%; nông nghiệp 6,6%, thì năm 2012, cơ cấu các ngành tương ứng là: 52,6%; 41,8% và 5,6%. Các ngành kinh tế mũi nhọn như ngân hàng, thương mại, du lịch… luôn có mức tăng trưởng cao.
Hà Nội vẫn khẳng định được vai trò một trung tâm kinh tế mạnh khi đóng góp cho nền kinh tế đất nước với mức 10% GDP, 9% kim ngạch xuất khẩu, 13% giá trị sản xuất công nghiệp và 23% tổng vốn đầu tư xã hội. Qua đó, giữ vị trí đầu tàu và là động lực phát triển kinh tế phía Bắc.
Bà Trịnh Thị Ngân, Trưởng Phòng Quản lý công nghiệp, Sở Công Thương Hà Nội cho biết từ khi Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, các doanh nghiệp trên địa bàn có nhiều cơ hội tiếp cận đất đai, phát triển mặt bằng sản xuất, trong đó nổi bật là cáckhu, cụm công nghiệp như Phú Nghĩa (huyện Chương Mỹ), Quang Minh (huyện Mê Linh)… Doanh nghiệp cũng có thêm nguồn nhân công, giải quyết được bài toán lao động phổ thông… Cùng với đó, Thành phố đã tạo nhiều cơ chế chính sách cho doanh nghiệp đầu tư đổi mới máy móc hiện đại.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Ngô Văn Quý, Hà Nội vẫn tồn tại nhiều hạn chế sau 5 năm mở rộng địa giới hành chính, đó là kinh tế tăng trưởng chưa bền vững, thu hút vốn đầu tư nước ngoài chưa xứng với tiềm năng, đầu tư công dàn trải, triển khai các dự án chậm, có tình trạng cung vượt quá cầu trong các dự án bất động sản.
Vì vậy trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đẩy nhanh tăng trưởng và phát triển kinh tế, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) khoảng 8,5-9,5%.
Thành phố cũng sẽ tích cực huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, tăng cường quản lý đầu tư từ ngân sách, khắc phục tình trạng bố trí vốn phân tán, dàn trải; thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, định hướng vào những lĩnh vực cơ sở hạ tầng, công nghiệp “xanh” và các lĩnh vực công nghệ …
Theo Chinhphu.vn