Theo nhận định của các thành viên tại phiên họp Tổ điều hành thị trường trong nước dự báo, trong tháng 8,CPI có thể tăng gấp đôi so với mức dự kiến, tăng 0,6% nếu Hà Nội có sự điều chỉnh về giá viện phí.
Miễn nhiệm cán bộ gây lãng phí
Tại Chỉ thị về tăng cường thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, vốn, tài sản và lao động tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, DNNN rà soát, sửa đổi, bổ sung quy chế, tiêu chuẩn về tuyển dụng lao động, bổ nhiệm cán bộ trong doanh nghiệp.
Đồng thời, rà soát, sắp xếp lại cơ cấu cán bộ quản lý, chủ chốt trong doanh nghiệp nhà nước, bảo đảm gọn nhẹ, có hiệu lực, hiệu quả và đúng số lượng theo quy định.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phải đảm bảo công khai, dân chủ theo đúng quy định của Nhà nước về tuyển dụng lao động, bổ nhiệm cán bộ; chỉ tuyển dụng thêm lao động, bổ nhiệm cán bộ khi thực sự có nhu cầu.
Trợ cấp đột xuất gia đình hạ sĩ quan CAND
Theo Nghị định quy định chế độ, chính sách trợ cấp khó khăn đột xuất, miễn học phí đối với gia đình, thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ đang phục vụ có thời hạn trong Công an nhân nhân.
Theo đó, gia đình và thân nhân hạ sĩ quan, chiến sĩ được trợ cấp khó khăn đột xuất trong trường hợp gia đình hạ sĩ quan, chiến sĩ gặp tai nạn, hỏa hoạn, thiên tai dẫn đến bị sập nhà, trôi nhà, cháy nhà hoặc phải di dời chỗ ở được trợ cấp 2.000.000 đồng/suất/lần.
Bên cạnh đó, bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, chiến sĩ bị ốm đau từ 1 tháng trở lên hoặc điều trị 1 lần tại bệnh viện từ 7 ngày trở lên sẽ được trợ cấp 500.000 đồng/suất/lần.
Hai chế độ trợ cấp trên được thực hiện không quá 2 lần trong 1 năm với một đối tượng.
Ngoài ra, bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, chiến sĩ bị từ trần, mất tích thì được trợ cấp 1.000.000 đồng/suất.
Nghị định cũng quy định, con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, chiến sĩ được miễn học phí khi học ở các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông công lập, ngoài công lập theo quy định.
Tăng giá điện 5% kể từ ngày 1/8/2013
Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã có thông báo điều chỉnh giá điện, thực hiện theo Thông tư số 19/2013/TT-BCT của Bộ Công Thương ban hành cùng ngày quy định về giá bán điện và hướng dẫn thực hiện.
Theo đó, kể từ ngày 1/8/2013, giá bán điện bình quân sẽ là 1.508,85 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế VAT), tăng 71,85 đồng/kWh (5%) so với giá bán điện bình quân đang áp dụng (1.437 đồng/kWh).
Theo EVN, việc điều chỉnh giá bán điện lần này để bù đắp một phần chi phí phát điện tăng lên do tăng giá than và tăng giá khí. Đặc biệt là giá than từ ngày 20/4/2013 tăng từ 37 – 41% tùy từng loại than.
EVN cũng cho biết, lần điều chỉnh giá bán điện này không có sự thay đổi về đối tượng áp giá, cơ cấu biểu giá mà chỉ điều chỉnh mức giá đối với các đối tượng theo quy định tại Quyết định 268/QĐ-TTg ngày 23/2/2011 của Thủ tướng Chính phủ.
CPI tháng 8 có thể tăng 0,6%
Dự báo, trong tháng 8, CPI có thể tăng gấp đôi so với mức dự kiến, tăng 0,6% nếu Hà Nội có sự điều chỉnh về giá viện phí. Đó là nhận định của các thành viên tại phiên họp Tổ điều hành thị trường trong nước (Bộ Công Thương) ngày 30/7.
Đúng như dự đoán của Tổ điều hành, CPI tháng 7 tăng thấp, tăng 0,27% so với tháng 6. Ông Nguyễn ĐứcThắng- Vụ trưởng Vụ thống kê giá (Tổng cục thống kê) phân tích.
Trong tháng 8, thị trường hàng hóa sẽ chịu tác động của các yếu tố như thời tiết do đang trong mùa mưa bão sẽ ảnh hưởng đến giá các mặt hàng thực phẩm, tỷ giá tăng, giá nhiên liệu trên thị trường thế giới cao hơn, chuẩn bị vào mùa khai giảng.
Do cung cầu trên thị trường không có nhiều đột biến, một số mặt hàng tiếp tục trong xu hướng ổn định như lương thực, phân bón, đường, tuy nhiên, từ ngày 1/8, Hà Nội có sự điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh, Tổ điều hành dự báo, CPI tháng 8 có thể tăng gấp đôi so với dự kiến, khoảng 0,6- 0,7%.
Kinh tế khó đạt mục tiêu tăng trưởng 5,5%/năm
Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia vừa đưa ra báo cáo kinh tế vĩ mô bảy tháng đầu năm 2013.
Theo đó, nếu chưa tính đến việc điều chỉnh giá do Nhà nước quản lý và tác động chính sách, lạm phát năm nay chỉ ở mức 5%. Dư địa để thực hiện mục tiêu lạm phát thấp hơn năm ngoái (6,81%) còn khoảng trên 4% cho những tháng cuối năm, tương ứng mức 0,76%/tháng.
Về tăng trưởng của nền kinh tế, kết quả tổng thu nhập quốc nội (GDP) sáu tháng đầu năm tăng 4,9%, tương đương với cùng kỳ năm 2012 (4,93%), là mức tăng trưởng thấp so với nhiều năm gần đây. Điều này khiến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm ở mức 5,5% sẽ gặp nhiều khó khăn.
Xét theo sự đóng góp vào GDP, nhân tố kéo nền kinh tế tăng trưởng trong giai đoạn hiện nay là khu vực dịch vụ với mức đóng góp tăng từ 2,23% trong sáu tháng đầu năm 2012 lên 2,51% trong sáu tháng đầu năm 2013; trong khi khu vực công nông lâm nghiệp lại có dấu hiệu suy giảm.
VCSC: Tăng giá điện sẽ làm CPI tăng khoảng 0,2% trong tháng 8 và 0,2% trong tháng 9
VCSC trước công bố tăng giá điện của EVN nhận định khả năng giá xăng và giá điện sẽ tăng, lạm phát tăng mạnh hơn nữa, có thể ở mức 1,4%-1,5% trong tháng 8 và đe dọa mục tiêu 7% của Chính phủ.
Báo cáo của bộ phận nghiên cứu CTCP Chứng khoán Bản Việt – VCSC chiều ngày 31/07/2013 nhận định: Khả năng tăng giá điện và xăng gây lo ngại lạm phát chi phí đẩy vào tháng 8 và tháng 9.
VCSC cho rằng, hiện giá xăng thế giới cao hơn so với giá xăng bán lẻ trong nước khoảng 500 đồng/lít, có nghĩa là giá trong nước cần tăng khoảng 2% để các công ty kinh doanh xăng dầu không bị thua lỗ. Theo đó, CPI tháng 8 sẽ tăng khoảng 0,15%.
Bên cạnh đó, do áp lực từ việc Điện lực Việt Nam đang chịu lỗ, Chính phủ cũng phải tăng giá điện 5%-7% mà VCSC cho là sẽ được thực hiện ngay trong tháng 8. Việc điều chỉnh giá điện sẽ trực tiếp khiến giá hàng tiêu dùng tăng 0,2% trong tháng 8 và 0,2% nữa trong tháng 9.
HSBC: PMI Việt Nam dưới ngưỡng 50 điểm tháng thứ ba liên tiếp
Ngân hàng HSBC công bố thống kê chỉ số PMI tháng 7 đạt 48,5 điểm. Đây là tháng thứ 3 liên tiếp PMI nằm dưới ngưỡng 50 điểm, cho thấy các hoạt động trong lĩnh vực sản xuất đang có dấu hiệu bị thu hẹp.
Lĩnh vực sản xuất của Việt Nam tiếp tục suy giảm trong tháng 7 mặc dù với tốc độ chậm hơn. Điều này có được nhờ sản lượng và số lượng đơn đặt hàng giảm ít hơn, việc làm không có thay đổi. Cần nhớ, PMI là chỉ số được tính dựa trên các chỉ tiêu: Đơn đặt hàng mới, sản lượng, việc làm, thời gian giao hàng của nhà cung cấp, tồn kho các mặt hàng đã mua theo các trọng số khác nhau cho mỗi chỉ tiêu.
Biên lợi nhuận vẫn chịu áp lực khi giá xuất xưởng tiếp tục giảm, nhưng giá đầu vào lại tăng nhanh hơn. Được biết, PMI tháng 6 chỉ ở mức 46,4 điểm, thấp hơn 2 điểm so với tháng 7 vừa qua.
7 tháng, chi 56,2 nghìn tỷ đồng để trả nợ và viện trợ
Trong 7 tháng đầu năm, chi trả nợ và viện trợ bằng 53,5% dự toán năm. Tổng thu ngân sách nhà nước từ đầu năm đến 15/7/2013 ước tính đạt 381,7 nghìn tỷ đồng, bằng 46,8% dự toán năm.
Cụ thể, theo báo cáo về tình hình kinh tế – xã hội 7 tháng đầu năm 2013 của Tổng cục Thống kê, trong tổng số nguồn thu trên, nguồn thu nội địa đạt 251,5 nghìn tỷ đồng, bằng 46,1%; thu từ dầu thô đạt 58,4 nghìn tỷ đồng, bằng 59%; thu cân đối ngân sách từ hoạt động xuất, nhập khẩu 68,6 nghìn tỷ đồng, bằng 41,2%.
Trong khi đó, cũng tính từ đầu năm đến 15/7, tổng chi ngân sách nhà nước ước tính đạt 483,6 nghìn tỷ đồng, bằng 49,5% dự toán năm.Như vậy, 7 tháng đầu năm 2013, bội chi ngân sách là 101,9 nghìn tỷ đồng.
Theo Trí Thức Trẻ