Những bất ổn của kinh tế thế giới, cùng số liệu kinh tế ảm đạm từ Mỹ đã khiến thị trường vàng thế giới có một tuần đầy “huy hoàng” với mức tăng 5% trong cả tuần.
Giá kim loại quý đã đi lên ngay trong phiên đầu tuần 12/8, thậm chí đã có lúc tăng lên mức cao nhất trong gần hai tuần trên thị trường châu Á do dữ liệu kinh tế của Mỹ yếu kém và lượng nắm giữ vàng của quỹ giao dịch vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đã tăng lần đầu tiên trong vòng hai tháng qua. Thị trường chứng khoán Mỹ suy yếu cũng làm tăng thêm sức hấp dẫn cho vàng.
Ngoài ra, sức tiêu thụ vàng của Trung Quốc – dự kiến sẽ vượt Ấn Độ trở thành nước tiêu thụ vàng lớn nhất thế giới trong năm nay do Ấn Độ đang tiến hành các biện pháp hạn chế nhập khẩu vàng nhằm làm giảm thâm hụt thương mại – cũng giúp vàng lên giá. Theo Hiệp hội Vàng Trung Quốc, trong sáu tháng đầu năm nay, tiêu thụ vàng của nước này đã lên tới 706,36 tấn, tăng mạnh so với 832,18 tấn của cả năm ngoái.
Tuy nhiên, giá vàng đã quay đầu giảm trong phiên 13/8, kết thúc chuỗi bốn ngày tăng cao trong bối cảnh dữ liệu về chi tiêu tiêu dùng của Mỹ tươi sáng (báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ cho thấy chi tiêu tiêu dùng của nước này trong tháng 7/2013 tăng với tốc độ nhanh nhất trong vòng bảy tháng qua), đồng USD lên giá và Ấn Độ tăng thuế nhập khẩu vàng lên mức cao kỷ lục 10%. Đây là lần thứ ba Ấn Độ tăng thuế nhập khẩu vàng trong vòng tám tháng qua, đồng thời tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đánh vào vàng, sau khi người dân nước này đổ xô đi mua vàng trong tháng Bảy bất chấp nguồn cung hạn hẹp.
Mặc dù vậy, giá vàng đã phục hồi ngay trong phiên 14/8 trong bối cảnh các quỹ giao dịch (ETF) vẫn tiếp tục gia tăng mạnh mẽ hoạt động gom vàng, bất chấp những quan ngại về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) có thể sẽ bắt đầu kế hoạch giảm dần chương trình kích thích tăng trưởng ngay trong tháng Chín tới do bức tranh kinh tế Mỹ ngày càng sáng lên. Chương trình kích thích tăng trưởng của Fed tương đương với hoạt động in tiền và kế hoạch giảm dần sẽ tác động không tốt đến vàng – vốn được coi như là một công cụ chống lạm phát. Việc thời điểm giảm dần chương trình kích thích kinh tế chưa được xác định rõ đã làm vàng giảm 21% giá trị trong năm nay.
Sang phiên giao dịch 15/8, giá vàng tiếp tục bật tăng phiên thứ hai liên tiếp, một phần nhờ SPDR Gold Trust, tăng cường mua vàng. Lượng vàng mà SPDR Gold Trust nắm giữ đã tăng 0,23% lên 913,23 tấn vào ngày 14/8, lần tăng thứ hai trong tuần, khiến thị trường khấp khởi hy vọng rằng tình trạng “chảy máu vàng” từ quỹ này đã kết thúc. Tuy nhiên, mức tăng có phần bị hạn chế do số liệu mới nhất cho biết lượng người thất nghiệp mới của Mỹ trong tuần trước nữa đã giảm xuống mức thấp nhất của gần sáu năm. Ngoài ra, trong tháng 7/2013, giá tiêu dùng tại nền kinh tế lớn nhất thế giới nhìn chung có xu hướng đi lên. Những thống kê này có thể sẽ thúc giục Fed sớm cắt giảm chương trình mua trái phiếu.
Đà tăng tiếp tục lan sang phiên cuối tuần 16/8 và đã có lúc giá vàng vọt lên mức cao nhất của hai tháng qua khi Trung Quốc đẩy mạnh hoạt động mua vào, thị trường chứng khoán Mỹ nhuộm trong sắc đỏ, trong khi lãi suất trên thị trường trái phiếu lại tăng lên mức cao nhất trong hai năm qua.
Chốt phiên cuối tuần 16/8 tại Sàn giao dịch kim loại New York (COMEX), giá vàng giao ngay tăng 0,9% lên 1.377,60 USD/ounce, sau khi đã có lúc trong phiên tăng lên mức cao nhất hai tháng qua là 1.379,60 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn giao tháng 12/2013 cũng tăng 10,1 USD lên 1.371 USD/ounce.
Theo chân giá vàng, giá bạc cũng tăng mạnh tới 14% trong suốt trọn tám phiên tăng liên tiếp – đánh dấu tuần tăng giá mạnh nhất của kim loại này trong gần 5 năm qua.
Tính chung cả tuần, giá vàng tăng gần 5%, còn trong tám phiên giao dịch vừa qua, vàng đã có bảy phiên lên giá.
Tuy nhiên, triển vọng của vàng trong thời gian dài hạn vẫn khá ảm đạm. Mark Keenan, một chuyên gia nghiên cứu thuộc ngân hàng Societe Generale chi nhánh Singapore, nhận định: Xu hướng đi lên của giá vàng chủ yếu bị chi phối bởi yếu tố kỹ thuật khi phá ngưỡng 1.350 USD/ounce và sẽ không bền vững. Ngoài ra, trong tuần qua, vàng còn nhận được sự hỗ trợ do một số nhà đầu tư đã tìm đến vàng như một “nơi trú ẩn an toàn” khi tình hình bạo động tại Ai Cập leo thang.
Thêm vào đó, Hội đồng Vàng Thế giới (WGC) dự báo nhu cầu vàng của Trung Quốc có thể vọt lên mức cao kỷ lục 1.000 tấn trong năm nay và vượt Ấn Độ để trở thành nước tiêu thụ vàng nhiều nhất thế giới, khi lượng tiêu thụ vàng của Ấn Độ năm nay dự kiến sẽ thấp hơn mức 860 tấn của năm ngoái. Theo WGC, mức tiêu thụ của Trung Quốc trong nửa đầu năm 2013 là 706,36 tấn, tăng 54% so với cùng kỳ năm trước, khi giá giảm đã làm tăng sức hấp dẫn đối với người mua.
Theo ông Mark Keenan, thị trường sẽ có những chỉ dấu mới từ phiên họp của Fed vào tháng Chín tới. Và một khi Fed thu hẹp gói nới lỏng định lượng, giá vàng sẽ lại giảm./.
Theo TTXVN