VFA cho biết trong nửa đầu tháng 9-2013, châu Phi đã lần đầu tiên chiếm tới gần 70% tổng lượng gạo xuất khẩu cả nước, vượt qua thị trường châu Á chỉ chiếm 27%.
Ông Nguyễn Hùng Linh, Giám đốc Công ty Du lịch Thương mại Kiên Giang, cho biết trong năm 2013, châu Phi đã ăn gạo Việt nhiều hơn. Lượng gạo đã tăng 10%-30% so với năm ngoái. “Lý do là người châu Phi thích ăn gạo Việt với giá rẻ hơn so với các nước xuất khẩu khác. Hơn nữa do trước đây các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu gạo nước ta toàn xuất qua trung gian là các thương nhân châu Âu và Liban nên giá gạo Việt Nam vào châu Phi thường bị đẩy lên cao. Nhưng hiện nay các DN nước ta đã ký hợp đồng trực tiếp với các nhà nhập khẩu châu Phi nên bán được giá rẻ, họ mua nhiều hơn nên sản lượng gạo xuất khẩu nhờ đó tăng lên” – ông Linh tiết lộ.
Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch Hiệp hội lương thực Việt Nam (VFA), cho biết trong khi xuất khẩu gạo đang gặp khó nhưng gạo thơm vẫn xuất khẩu tăng kỷ lục đạt 600.000 tấn trong tám tháng 2013. Đáng chú ý, gạo thơm Việt Nam đã xâm nhập sâu vào thị trường châu Phi. Các nhà nhập khẩu ở châu lục này đang ngày càng tìm mua nhiều hơn gạo thơm Việt Nam do giá cả dễ chịu hơn nhiều so với gạo thơm Thái Lan. Giá gạo thơm Việt Nam hiện nay chỉ còn bằng khoảng phân nửa so với gạo thơm của Thái Lan, trong khi chất lượng không thua kém mấy. Người dân nhiều nước châu Phi, nhất là người dân thành thị, đang sử dụng gạo thơm nhiều hơn trong các bữa ăn hằng ngày, bởi thu nhập của họ đang ngày càng được cải thiện.
Ông Hoàng Đức Nhuận, Trưởng phòng châu Phi, Vụ châu Phi, Tây Á và Nam Á, cho biết Việt Nam xác định châu Phi là thị trường tiêu thụ gạo quan trọng nên Bộ Công Thương đã có nhiều biện pháp để hỗ trợ DN xuất khẩu vào khu vực này. Trong đó, nổi bật là công tác thông tin thị trường, nghiên cứu khoa học, tổ chức các hội nghị chuyên đề xuất khẩu gạo sang châu Phi, cuộc gặp giữa các DN xuất khẩu gạo Việt Nam với các nhà nhập khẩu gạo khu vực Tây và Trung Phi…
Theo Pháp luật TPHCM