Bạn đang đảm nhận vị trí trưởng phòng tại một công ty không có nghĩa là bạn đủ kinh nghiệm ứng tuyển vào vị trí tương đương tại doanh nghiệp khác, và ngược lại. Làm sao biết kinh nghiệm của bạn đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng?
Thông thường, các chức danh mà nhà tuyển dụng đưa ra có thể khiến bạn nhầm lẫn rằng kỹ năng, kinh nghiệm, trách nhiệm của hai công việc là tương đương nhau. Tuy nhiên, tùy theo quy mô, cấu trúc của doanh nghiệp, công việc và chức danh có thể rất khác nhau chứ không theo chuẩn cố định nào cả. Bạn có thể dựa vào phần mô tả công việc, mức kinh nghiệm và kỹ năng nhà tuyển dụng đưa ra, nhưng không phải lúc nào bạn cũng có được thông tin tuyển dụng đầy đủ. Trong trường hợp đó, bạn có thể dựa trên khung yêu cầu chung theo mô tả dưới đây:
Cấp mới vào làm
Cấp này không chỉ giới hạn ở đối tượng sinh viên với ra trường, hay người mới gia nhập vào đội ngũ công sở. Nếu bạn vừa chuyển sang một ngành mới, khác biệt hoàn toàn với lĩnh vực cũ, hoặc thậm chí, bạn đã làm việc 3-4 năm nhưng kỹ năng chưa được phát triển và rèn giũa nhiều, bạn vẫn bị xếp vào cấp này.
Đối với các vị trí ở cấp này, nhà tuyển dụng chủ yếu đánh giá thái độ và nhiệt tình của ứng viên bên cạnh các yêu cầu cơ bản về kiến thức, kỹ năng giao tiếp…
Cấp quản lý tầm trung
Với các ứng viên không còn chân ướt chân ráo trong thị trường tuyển dụng, yêu cầu quản lý cấp trung có chút khác biệt. Theo Deborah Schuster, nhà sáng lập Công ty tư vấn Lettersmith Résumé Service, “Quản lý cấp trung cần biết cách chỉ đạo nhân viên, quản lý phòng ban, phân công công việc và kiểm soát ngân quỹ hợp lý. Đa phần các công ty thường yêu cầu ít nhất từ 5-15 năm kinh nghiệm và trình độ cử nhân.”
Ngoài ra, yếu tố then chốt để xin việc thành công là bạn phải cho nhà tuyển dụng thấy được vai trò lý tưởng của mình trong cơ cấu tổ chức của công ty. Cấp này yêu cầu cả kinh nghiệm và kỹ năng nên bạn cần đưa ra các ví dụ thuyết phục về thành tích công việc trước đây đạt được từ sự vận dụng hiệu quả kỹ năng và kinh nghiệm tích lũy được.
Cấp điều hành/Quản lý cấp cao
Bạn là quản lý cấp cao của công ty cũ – điều này không đồng nghĩa với việc bạn sẽ nắm chắc trong tay chiếc ghế tương tự tại công ty ứng tuyển. Schuster cho biết, “Có rất nhiều định nghĩa khác nhau về quản lý cấp cao/cấp điều hành.”
Cơ cấu tổ chức của các doanh nghiệp đều khác nhau và các công ty lớn thường có nhiều chức danh quản lý cấp cao. Trước khi ứng tuyển, bạn cần sử dụng các công cụ mạng như LinkedIn có cái nhìn chung về nhà tuyển dụng, cũng như các cá nhân đang đảm nhận vị trí quản lý cấp cao tại công ty ứng tuyển.
Theo Schuster, “Nếu bạn biết rõ quy mô công ty và chi tiết những gì họ thực sự cần, ngoài các yêu cầu chung trong thông tin tuyển dụng, bạn sẽ có lợi thế hơn rất nhiều khi ‘bắn trúng mục tiêu’ trong hồ sơ xin việc của mình.”
Mấu chốt là kỹ năng, chứ không phải số năm kinh nghiệm
Nếu chẳng may số năm kinh nghiệm của bạn còn thiếu một chút, nhưng bạn sở hữu kỹ năng mà nhà tuyền dụng yêu cầu, đừng ngần ngại ứng tuyển vào vị trí đó. Hầu hết các doanh nghiệp sẽ không bỏ qua những trường hợp như bạn vì họ có thể tuyển được nhân tài với mức lương thấp hơn.
Với ứng viên, điều này có nghĩa là chức danh của bạn nghe sẽ hấp dẫn hơn. Tuy nhiên, trước khi ứng tuyển, nên cân nhắc xem bạn có thực sự thích hợp với vị trí đó và sẵn sàng cho thách thức mới hay chưa.
Nắm rõ trách nhiệm công việc
Ngoài chuyện chức danh và kinh nghiệm, bạn cần nắm rõ phần mô tả trách nhiệm công việc của mình. Cho dù bạn thu thập thông tin thông qua các công ty nhân sự hay từ mối quan hệ cá nhân, điều quan trọng là bạn phải nắm rõ mình sẽ quản lý ai, cấp nào, cơ cấu phòng ban, trình tự báo cáo như thế nào. Điều này cũng giúp bạn hoạch định bước đường thăng tiến của mình tại công ty đó, nắm rõ đâu sẽ là những cơ hội nghề nghiệp tiếp theo.
Theo: DLVN