Để trở thành tiếp viên hàng không, ứng viên phải trải qua từ 3-6 vòng thi, với yêu cầu tiên quyết là đạt tiêu chuẩn về ngoại hình, giao tiếp cũng như khả năng tiếng Anh. – Vietjet Air có tiêu chuẩn tuyển chọn khắt khe hơn Vietnam Airlines. – Thông thường, các tiếp viên không phục vụ quá 100 giờ bay/tháng.
Theo tiêu chí tuyển dụng của hãng hàng không lớn nhất Việt Nam (Vietnam Airlines), tiếp viên được tuyển dụng phải thỏa mãn yêu cầu: Nữ từ 18 – 28 tuổi, cao từ 158 cm – 175 cm, nam tuổi từ 18 – 30, cao từ 165 cm – 182 cm. Ứng viên phải tốt nghiệp từ phổ thông trung học trở lên, sức khỏe đảm bảo, lý lịch rõ ràng, giao tiếp cởi mở và tiếng Anh TOEIC tối thiểu từ 350 điểm trở lên, tương đương với tiêu chí của hãng hàng không Air Mekong.
Điểm TOEIC cũng là một căn cứ để ứng viên trúng tuyển được phân bay theo những tuyến trong nước hoặc quốc tế.
Trong khi đó, Vietjet Air đưa tiêu chí có phần “khắt khe” hơn, khi hạn chế chiều cao của nam là khoảng 168cm, nữ cao 160cm, ngoại hình khá, không có dị tật, hình săm, sẹo hay những đặc điểm không phù hợp với ngành dịch vụ. Yêu cầu ngoại ngữ của hãng cũng là 400 điểm TOEIC trở lên, đồng thời ứng viên phải trải qua bài thi viết tiếng Anh trong quá trình tuyển dụng.
Ngoài yêu cầu về tiếng Anh, tất cả các hãng hàng không Việt Nam đều đặt tiêu chí nói tiếng Việt lưu loát, dù ứng viên tuyển dụng có thể là người nước ngoài sinh sống tại Việt Nam. Riêng về yêu cầu trình độ văn hóa, tốt nghiệp THPT là đủ tiêu chuẩn để đăng ký tuyển dụng.
Ứng viên tuyển dụng thường trải qua 4 vòng kiểm tra, gồm phỏng vấn sơ tuyển, kiểm tra ngoại hình chi tiết, kiểm tra tổng thể và kiểm tra y tế, sức khỏe. Sau đó, các ứng viên sẽ trải qua vòng thi tiếng Anh viết và phỏng vấn. Riêng Vietjet Air, các ứng viên sẽ có vòng thi tài năng trước khi phỏng vấn trực tiếp với trưởng đoàn tiếp viên của hãng.
Theo quy đinh của ngành hàng không, để đảm bảo sức khỏe, mỗi tiếp viên không được có số giờ bay vượt quá 100h/tháng. Hiện Vietnam Airlines đang khai thác khoảng 80-90h/tháng/tiếp viên trên tất cả các chặng bay nội địa và quốc tế của hãng.
Sau khi vượt qua vòng tuyển dụng, các ứng viên còn phải hoàn thành khóa tập huấn đào tạo tại Trung tâm huấn luyện bay, và được kiểm tra định kỳ hằng năm. Ngoài ra, các chương trình đào tạo tại nước ngoài sẽ dành cho các tiếp viên xuất sắc trong công việc và có kế hoạch nâng cao kiến thức bản thân.
Công việc chính của các tiếp viên không chỉ là hướng dẫn khách, kiểm tra thiết bị an toàn bay, công tác hành chính (điền vào các biểu mẫu) mà còn phục vụ suất ăn, dọn dẹp bếp, toilet (trong các chuyến bay đường dài). Khi xảy ra các sự cố trong chuyến bay, tiếp viên cũng là người trấn tĩnh, giúp khách bớt căng thẳng, hướng dẫn cách thoát hiểm an toàn, và thường là người rời máy bay cuối cùng.
Theo Zing/Infonet