Kinh doanh online

Một vốn, bốn tiện lợi
Nghiên cứu của Tổ chức Dữ liệu Quốc tế (IDC) cho thấy, thương mại điện tử (TMĐT) đang tăng trưởng với tốc độ 25%/năm. Và dự tính đến năm 2012 sẽ có hơn 1 tỷ người mua hàng hóa và dịch vụ trực tuyến trên toàn thế giới giao dịch qua sàn giao dịch điện tử (B2C) với giá trị lên tới 1,2 nghìn tỷ USD.
Còn tại Việt Nam, theo thống kê của Bộ Công Thương, năm 2006 có 8% DN tham gia sàn TMĐT, năm 2007 tăng lên 10% và năm 2009 là 12%. Năm 2001 có 31% DN có website và năm 2009 đã tăng lên 38%.
Mua bán hàng hóa và dịch vụ qua internet đã dần trở nên quen thuộc với một bộ phận người tiêu dùng tại các đô thị lớn như Hà Nội, TP.HCM, Nha Trang, Đà Nẵng…
Phát biểu tại tọa đàm “Nâng cao năng lực bán hàng bằng ứng dụng TMĐT” được tổ chức vừa qua tại TP.HCM, ông Võ Đỗ Thắng, Trưởng ban Công nghệ thông tin – Câu lạc bộ Doanh Nhân Sài Gòn, nhấn mạnh, TMĐT là công cụ mang lại hiệu quả kinh doanh rất cao trong điều kiện hiện nay.
Nếu một nhân viên kinh doanh mỗi ngày chỉ có thể tiếp cận 10 khách hàng bằng cách thông thường, thì với TMĐT họ có thể tiếp cận đến 2.000 khách hàng. Chỉ cần 1% trong số giao dịch ấy có kết quả là DN đã thành công.
Phương pháp này xem ra càng thuận lợi hơn khi website đã được xây dựng trên nền 2.0. Nghĩa là giờ đây, với TMĐT, người bán và người mua có thể tương tác với nhau: khách hàng được tư vấn, hiểu rõ về sản phẩm, còn DN thì hiểu khách hàng cần gì…
Chủ các DN kinh doanh trong lĩnh vực này cho biết, đầu tư cho TMĐT không tốn kém nhiều như đầu tư bán hàng trực tiếp. DN chỉ cần có một nhân viên có kiến thức về công nghệ thông tin đủ để thu thập, xử lý các thông tin qua mạng là được. Mức độ, quy mô và mô hình ứng dụng TMĐT phụ thuộc vào mục tiêu, tính chất và quy mô hoạt động của từng DN.
Đối với các công ty kinh doanh truyền thống thì chỉ cần một website với các tính năng đơn giản nhằm giới thiệu công ty, hàng hóa và dịch vụ của công ty chào bán là đủ. Còn đối với các công ty mong muốn triển khai hệ thống bán hàng B2C trên mạng với một quy trình đầy đủ (giới thiệu, chào hàng, nhận, thực hiện đơn hàng, thanh toán, dịch vụ hậu mãi) thì đòi hỏi hệ thống TMĐT phức tạp hơn.
Riêng đối với các công ty triển khai TMĐT B2B ở mức độ cao (có liên kết với bạn hàng, chia sẻ thông tin, phối hợp lên kế hoạch sản xuất, liên kết giữa các giao dịch ra bên ngoài với các hoạt động quản lý bên trong công ty, mạng hóa các giao dịch nội bộ công ty…) thì mức độ phức tạp của hệ thống TMĐT sẽ cao hơn.
Bề nổi một phong trào
TMĐT thuận lợi nhiều, nhưng lại ít tốn kém, nên hầu hết các DN đều đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng nhìn nhận và đầu tư đúng cho TMĐT.
Phát biểu tại hội thảo “CEO với TMĐT” do Tập đoàn Alibaba phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức tuần qua, ThS. Lê Văn Lợi, Viện trưởng Viện Tin học Doanh nghiệp, cho rằng, sai lầm của các CEO khi đầu tư vào TMĐT là muốn bao quát tất cả. Họ thường chọn thị trường quá rộng nên không đủ khả năng tiếp thị và đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Hơn nữa, nhiều CEO không hiểu đầu tư vào một ngành kinh doanh mới đòi hỏi một khoảng thời gian nhất định mới mang lại hiệu quả, họ chỉ muốn mau chóng thu lợi nhuận.
Cũng theo ông Lợi, hiện nay, TMĐT hầu như chỉ mới tác động đến DN ở mảng tiếp thị và quan hệ khách hàng, chứ chưa thực sự ảnh hưởng đến kết quả kinh doanh. DN tham gia lĩnh vực này gặp rất nhiều trở ngại, trong đó có an ninh mạng, hệ thống thanh toán, môi trường pháp lý và tập quán kinh doanh.
Bên cạnh đó, nhận thức của người dân về TMĐT vẫn còn thấp, nguồn nhân lực dành cho lĩnh vực này còn yếu, dịch vụ vận chuyển và giao nhận cũng chưa tương xứng với nhu cầu phát triển. Các chuyên gia khuyến cáo, người làm TMĐT phải nắm rõ luật kinh doanh qua mạng.
Đại diện Công ty Iwave cho biết, đã “trầy trật nhiều” vì lúc đầu không hiểu rõ về luật trong lĩnh vực công nghệ thông tin: “Chúng tôi làm trang web về hoa nên hễ cứ thấy bài viết về loại hoa nào hay là đăng lên, đọc trên vnexprees.net thấy có bài viết về hoa tôi cũng lấy đưa lên. Hóa ra làm như vậy là phạm luật vì vi phạm bản quyền”.
Theo các chuyên gia thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin, để cân bằng giữa lợi nhuận và đầu tư lâu dài, DN phải tập trung vào thị trường đã được xác định rõ ràng. Cụ thể, DN phải tìm thị trường thích hợp, tìm hiểu khách hàng, phát triển sản phẩm, cung cấp sản phẩm và tự động hóa kinh doanh.
Nhưng điều đặc biệt quan trọng là làm sao cho sản phẩm của DN có sức cạnh tranh trên thị trường. Ông Lợi đưa ra lời khuyên: “Thế giới internet rất hay nhưng cũng chứa nhiều cạm bẫy. Tham gia lĩnh vực này DN phải chuẩn bị chu đáo nguồn lực thì việc đầu tư mới hiệu quả”.

Theo Hồng Nga