Marketing Làm thế nào để vượt qua rào cản sáng tạo?

Làm thế nào để vượt qua rào cản sáng tạo?

94
Trong nghề marketing không gì quan trọng hơn khả năng sáng tạo ra những ý tưởng mới. Nhưng sự sáng tạo không thể đến với bạn nếu nó bị chặn lại cho dù ở cấp độ tổ chức hay cấp độ cá nhân. Vậy cần vượt qua những rào cản đó như thế nào?


Ảnh minh họa

Trước tiên chúng ta hãy tập trung vào cấp độ cá nhân rồi mới bàn đến cấp độ tổ chức. Việc tìm ra cách thức làm cách nào để vượt qua rào cản cho sáng tạo sẽ giúp bạn trở nên chuyên nghiệp hơn và bên cạnh đó, việc trở nên sáng tạo hơn sẽ mang lại nhiều niềm vui hơn. Ở đây tôi sẽ bàn về những rào cản thông thường cho sự sáng tạo và cách thức để vượt qua chúng.

Đầu vào

Phần lớn những định nghĩa về sự sáng tạo đều nhấn mạnh vào sự kết hợp những thành tố sẵn có một cách ngẫu nhiên và không liên quan. Chính những mối liên kết này là sự sáng tạo. Nhưng nếu những thành tố sẵn có đó đã không phù hợp với đề bài thì lời giải hiệu quả cũng sẽ bị chặn lại ngay từ khi bắt đầu. Chính vì vậy, sẽ tốt nhất nếu bạn khám phá việc tái định hình vấn đề trước khi bắt đầu. Khi bạn tìm thấy một ý tưởng hay, hãy đặt nó vào những cấu trúc câu “đề bài” kiểu “Làm thế nào để…”, “Làm sao có thể…”, “Những cách thức nào có thể…” và “Cái gì có thể…”. Những dạng câu khởi điểm này sẽ thu hút phản ứng theo những cách khác nhau. Như câu nói nổi tiếng của người từng đoạt giải Nobel Linus Pauling: “Nếu bạn muốn có một ý tưởng hay, hãy bắt đầu với thật nhiều ý tưởng.” Tiếp đó là quá trình nhận thức. Những câu đố, một dạng vấn đề sẽ trở nên khó khăn hơn nếu bạn nhìn nhận chúng một cách phức tạp hơn bản chất của chúng. Sẽ rất khó để nghĩ ra cách vẽ ít hơn bốn đường thẳng đi qua chín điểm trong một câu đố kinh điển như ở hình dưới đây mà không nhấc bút lên khỏi mặt giấy. Nếu muốn, bạn có thể thử trước khi tôi đưa ra câu trả lời.

Và câu đố sẽ dễ dàng được giải một khi bạn cho phép mình kéo dài những đường thẳng ra ngoài ô vuông lớn. Và nếu bạn kéo những đường đó vượt ra một đoạn gấp hai lần chiều rộng của ô vuông lớn thì chỉ cần kẻ ba đường. Nếu bạn mở rộng tờ giấy ra, bắt đầu vẽ từ hàng dưới cùng và kéo dài đường kẻ ra thành một vòng quanh trái đất cho đến khi nó chạm hàng ở giữa, đường này vẫn có thể tiếp tục thêm một vòng nữa và đi qua hàng trên cùng. Hoặc bằng cách khéo léo gấp tờ giấy lại bạn có thể tạo ra một đường kẻ bằng cách dùng kim khâu đâm qua các điểm mà không cần phải vẽ ra ngoài ô vuông lớn, và nếu bạn vẽ đường thẳng có độ dày bằng ba hàng điểm, như cách giải của một cô bé 10 tuổi, thì câu đố cũng đã được giải quyết.

Trong những cảm xúc của chúng ta, loại cảm xúc ngăn cản sự sáng tạo nhất chính là nỗi sợ

Cảm xúc

Trong những cảm xúc của chúng ta, loại cảm xúc ngăn cản sự sáng tạo nhất chính là nỗi sợ. Chúng ta sợ mắc lỗi, đôi khi chỉ sợ mơ hồ và đặc biệt sợ những ý tưởng mới, thay vào đó, chúng ta lại xét nét chúng, thường là theo cách tiêu cực và lại khiến cho những người xung quanh cũng sợ việc nghĩ ra ý tưởng mới. Nhưng nỗi sợ nghĩ ra ý tưởng mới là vô căn cứ.

Nghịch lý ở chỗ, nếu bạn buộc mình phải suy nghĩ một cách logic chuẩn chỉnh thì khả năng sáng tạo của bạn sẽ bị hạn chế, bởi vì khả năng thỏa hiệp với sự mơ hồ là một điều cần phải có đối với sự sáng tạo. Nếu không có nó, đầu óc của bạn sẽ không để cho những ý nghĩ khác biệt cùng tồn tại đủ lâu để bạn có thể nhận ra sự kết hợp giữa chúng. Bạn có thể khuyến khích sự mơ hồ bằng cách chia nhỏ vấn đề ra thành những thành tố thiết yếu, lên danh sách những đóng góp ý tưởng của từng thành tố và thoải mái kéo dài danh sách vượt qua rào cản logic, rồi bạn sẽ thấy những yếu tố được mở rộng trong danh sách này kết hợp như thế nào với nhau.

Nuôi dưỡng

Quỹ thời gian bó hẹp có thể là một rào cản lớn ngăn cản việc sáng tạo những ý tưởng hiệu quả. Hãy để cho bản thân được thư giãn sau mỗi lần sáng tạo ý tưởng, nghỉ qua đêm hoặc lâu hơn nếu bạn có thể. Việc này cho phép tiềm thức của bạn được đón nhận những tác nhân kích thích mới từ thế giới bên ngoài để có thể tiếp tục làm việc. Bạn sẽ ngạc nhiên bởi cách công việc được hoàn thành một khi đầu óc bạn được nghỉ ngơi. Tiếp theo là khiếu hài hước. Việc đón nhận vấn đề như thể đó hoàn toàn là một trách nhiệm nặng nề cũng là một rào cản khác. Với cương vị là một giám đốc sáng tạo, tôi đã từng tham gia rất nhiều buổi phác thảo ý tưởng và chưa từng có buổi nào không đem lại cho tôi tiếng cười. Và tôi cũng chưa từng nghĩ ra ý tưởng nào mà lại không khiến bản thân tự mỉm cười. Bản thân khiếu hài hước đã là một sự sáng tạo. Bằng cách đặt mọi người vào trạng thái tích cực, những phương pháp sáng tạo nhóm khuyến khích việc kể chuyện cười như là một bước khởi động.

Môi trường

Đâu là nơi luôn khiến bạn nảy ra những ý tưởng hay? Môi trường vật lý xung quanh bạn có thể ngăn cản hoặc khuyến khích ý tưởng sáng tạo tuôn chảy. Ý tưởng đến với tôi dễ dàng nhất mỗi khi tôi thức dậy sớm hơn thường ngày, lúc đó tôi sẽ nán lại trên giường, để mặc cho vấn đề “lang thang” trong tâm trí. Những nhà sáng tạo từ lâu nay luôn tìm thấy nguồn cảm hứng sáng tạo trong việc đi bộ, có lẽ là nhờ tác dụng từ việc tăng cường lưu thông máu lên não hoặc chỉ đơn giản là do thay đổi thói quen làm việc thường ngày. Theo triết gia – nhà thơ Friedrich Nietzsche: “Những tư tưởng vĩ đại đều ra đời từ việc tản bộ”. Đã đến thời đại mà bất kỳ ý tưởng nào cũng phải được xem xét đánh giá, nhưng cách đơn giản nhất để ngăn cản dòng ý tưởng sáng tạo trong tâm trí bạn hoặc trong một buổi phác thảo ý tưởng với người khác là lập tức soi xét những ý tưởng đó ngay khi nó được phát biểu. Những ý tưởng mới rất mong manh, không hoàn hảo, đôi lúc không thể sử dụng được nhưng lại có khả năng khuyến khích những ý tưởng tiềm năng thành công khác.

Sau khi đã định hình và hiểu rõ vấn đề một cách thấu đáo, đừng vội đánh giá những ý tưởng mà bạn hoặc người khác nghĩ ra. Đây là một nguyên tắc cốt yếu trong những buổi phác thảo ý tưởng. Và sau đó, khi đánh giá một ý tưởng, hãy bỏ qua việc xem xét vì sao nó không hoàn hảo mà thay vào đó hãy góp ý để khắc phục những điểm yếu của nó, từ đó chuyển điểm yếu thành những nhân tố kích thích sáng tạo mới.

Trong những tố chức, những rào cản trong việc sáng tạo giải pháp hiệu quả thường bắt đầu từ thất bại trong việc xem xét và cân nhắc những giả thiết và tìm hiểu những điểm không đúng, sau đó lại đánh giá các ý tưởng quá vội vàng và dừng lại ngay ở ý tưởng tốt đầu tiên. Cuối cùng là không nhận được hỗ trợ từ đúng những người có thể giúp một ý tưởng tốt được bắt rễ một khi nó đã được vun xới. Dù là cá nhân hay tổ chức, việc loại bỏ những rào cản trên con đường sáng tạo luôn luôn có thể giúp mở ra những triển vọng mới.

Richard Moore
Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc sáng tạo, Richard Moore Associates

Theo dddn