Bước chân vào trường, điều đầu tiên chúng tôi hết sức thú vị là sự lễ phép của các em học sinh. Thấy khách lạ đến trường các em đều vòng tay, cúi chào tạo cho những người khách từ đất liền cảm giác dù ở đâu trên quê hương Việt Nam, mái trường luôn là nơi thân thương nuôi dưỡng mầm non tương lai của đất nước.
Hết lòng vì con em huyện đảo
So với các trường học trên đất liền, Trường Mầm non Lý Sơn không có quy mô bề thế. Song khuôn viên, trường lớp, phòng học của học sinh đều được sắp xếp gọn gàng, xinh xắn. Tất cả toát lên sự chăm sóc, sắp đặt chu đáo và tình cảm gắn bó của cán bộ, giáo viên với ngôi trường này.
Hôm chúng tôi đến trường là vào một buổi sáng trời đẹp, nắng vàng ươm. Tiếng nhạc rộn rã phát ra từ chiếc loa nhỏ mời gọi các cháu tập trung đông đủ ở khoảng sân lát gạch sạch sẽ. Sau bài tập thể dục buổi sáng khỏe khoắn là những trò chơi nhỏ, sinh hoạt nhóm đầy hứng khởi và sôi nổi. Tất cả chuẩn bị cho một ngày học mới theo đúng nghĩa “học mà chơi, chơi mà học”.
Cô Nguyễn Thị Đầm – Hiệu trưởng Trường Mầm non Lý Sơn – cho biết: Mục tiêu trong dạy học, chăm sóc giáo dục trẻ của nhà trường là ngoài việc truyền thụ kiến thức, cán bộ, giáo viên còn quan tâm đến việc giáo dục đạo đức cho học sinh. Không riêng gì ở bậc học mầm non, các trường học trên huyện đảo Lý Sơn đều chú trọng đến công tác giáo dục đạo đức lối sống, nhân cách cho con em trên đảo, xây dựng một môi trường giáo dục lành mạnh, hiệu quả.
Trong đó, nhấn mạnh đến thực hiện phong trào “xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, tạo điều kiện cho con em học sinh vui vẻ, hứng thú trong học tập. Chú trọng công tác giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống, văn hóa ứng xử, giao tiếp trong đời sống hằng ngày. Bởi vậy, con em học sinh huyện đảo đều có tinh thần hiếu học và rèn luyện đạo đức rất tốt.
Được trò chuyện với các giáo viên trẻ như cô giáo Nguyễn Thị Nhanh, Mai Thị Hiệp… đang giảng dạy tại Trường Mầm non Lý Sơn, chúng tôi mới thực sự thấu hiểu những khó khăn, gian khổ khi sống và làm việc giữa huyện đảo tiền tiêu này.
Bằng ý chí quyết tâm và lòng yêu nghề, yêu trẻ, họ đã không quản ngại khó khăn, vất vả, hết lòng vì sự nghiệp giáo dục. Họ sẵn sàng từ bỏ những giảng dạy ở những ngôi trường thuận lợi hơn trong đất liền có thu nhập cao hơn, tiện nghi vật chất hơn để mang kiến thức ra vun đắp cho con em huyện đảo xa xôi.
Thắp sáng niềm tin, ước mơ
Nói chuyện về công tác quản lý, dạy học, chăm sóc, giáo dục trẻ của nhà trường, cô Nguyễn Thị Đầm cho hay: Dưới sự quan tâm, chỉ đạo của UBND huyện, ngành GD&ĐT huyện Lý Sơn, nhà trường đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang bị đồ dùng, đồ chơi trong lớp học đảm bảo cho hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ mầm non.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, giáo viên cũng được ngành GD&ĐT hết sức quan tâm, tạo điều kiện. Vì vậy, đã tạo sự chuyển biến quan trọng trên tất cả các mặt giáo dục mầm non của nhà trường. Cơ sở vật chất ngày càng được khang trang, hoàn thiện. Chất lượng giáo dục, chăm sóc trẻ không ngừng phát triển.
Tuy nhiên, thành tích nổi bật nhất của trường trong những năm qua là sự gắn kết giữa nhà trường, chính quyền và phụ huynh học sinh. Chính sự gắn kết đó đã góp phần đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, trong việc thực hiện các phong trào, nhất là công tác xây dựng, vận động con em đến lớp và chăm sóc, giáo dục trẻ.
“Gần 20 năm trực tiếp làm công tác giảng dạy, rồi hơn 10 năm làm công tác quản lý trường học trên huyện đảo Lý Sơn, tôi cảm thấy tự hào, vui sướng khi ngày ngày chứng kiến sự đổi thay, phát triển của ngành Giáo dục.
Bởi chỉ mới cách đây vài năm, cơ sở vật chất trường lớp trên đảo nghèo nàn, thiếu thốn. Nhưng những năm trở lại đây, nhờ sự quan tâm của chính quyền địa phương, sự chung tay hỗ trợ của toàn xã hội đầu tư xây dựng trường lớp ngày càng khang trang, hiện đại. Con em huyện đảo được chăm lo phát triển một cách toàn diện” – cô Đầm chia sẻ.
Thật sự có đến thăm các lớp học mầm non trên huyện đảo Lý Sơn, chúng tôi mới cảm nhận hết tấm lòng và tình cảm của giáo viên dành cho các cháu vốn đã chịu nhiều thiệt thòi này. Tình thương yêu của giáo viên không chỉ thể hiện qua từng tiết dạy, từng bài học, mà còn thể hiện qua sự nhiệt tình chăm chút đến những việc nhỏ nhặt nhất trong sinh hoạt và vui chơi cho trẻ.
Dẫu cuộc sống gia đình khó khăn như bao nếp nhà khác trên đảo, nhưng ngày ngày đội ngũ cán bộ, giáo viên vẫn lạc quan quên đi những vất vả đời thường để dành trọn tấm lòng yêu thương cho thế hệ tương lai của đảo. Và người dân cù lao nghèo khó vẫn luôn xem sự hiện diện của những người giáo viên, của những ngôi trường là biểu tượng của niềm tin, hy vọng và ước mơ về một tương lai tốt đẹp cho con em huyện đảo.
Theo Giáo dục và Thời đại