Đào tạo 4 bước giúp bạn sắp xếp công việc để xin nghỉ dài...

4 bước giúp bạn sắp xếp công việc để xin nghỉ dài hạn

40
Anh bạn của tôi người châu Âu cứ mỗi năm lại đi du lịch vài lần, mỗi lần ít nhất 10 ngày cho đến 2 tuần. Tôi hỏi “Anh đi chơi vậy công việc ở văn phòng ai làm?”. Anh nói “Không có người này cũng có người kia làm, công ty vắng tôi 2 tuần cũng có phá sản đâu mà lo”.


Ảnh minh họa

Đùa thôi! Thực tế ở châu Âu cũng như các nước phương Tây, nghỉ phép dài ngày (thường là vào mùa hè) để đi du lịch là điều hiển nhiên và trở thành truyền thống. Ai cũng được hưởng quyền lợi này miễn là bạn đảm bảo sự vắng mặt của mình không làm ảnh hưởng đến công việc cũng như đồng nghiệp.
 
Trước đây, tôi cũng hay lo “mình nghỉ rồi ai xử lý công việc” nên xin nghỉ 3 ngày là thấy nhiều rồi. Tuy nhiên, tất cả đều phụ thuộc vào khả năng sắp xếp và quản lý công việc của bạn. Dưới đây là những bí quyết giúp bạn có những kỳ nghỉ phép dài ngày và tận hưởng nó một cách thoải mái nhất.
 
Đưa mọi việc vào nề nếp

Lý do khiến mọi người không dám xin nghỉ lâu là sợ công việc đột xuất xảy đến. Tuy nhiên, sẽ không có trường hợp việc từ trên trời rơi xuống nếu bạn biết lên kế hoạch từ trước và đưa mọi việc vào nề nếp. Một khi bạn chứng minh được với sếp mọi thứ đã đi vào nề nếp và ổn định, bạn hoàn toàn được quyền nghỉ xả hơi mà không lo mọi thứ rối tung khi không có mặt mình.
 
Lên kế hoạch và chuẩn bị

Một tháng trước mỗi kỳ nghỉ dài, anh bạn tôi thường rất bận và cực kỳ bận. Khối lượng công việc một ngày của anh tăng gấp 2 3 lần vì anh cần phải hoàn tất công việc của những ngày anh sẽ vắng mặt ở công ty. Là một sai sót không thể tha thứ nếu vì nghỉ phép mà bạn trễ hạn nhiệm vụ khiến dự án bị kéo dài hay khách hàng phàn nàn. Nhất là đừng bao giờ để kỳ nghỉ của bạn trở thành nỗi ám ảnh của các đồng nghiệp, những người phải làm việc thay thế bạn. Hãy đảm bảo mình đã chuẩn bị trước mọi việc nhé.
 
Thông báo trước cho các phòng ban liên quan

Bằng cách thông báo trước cho những phòng ban, đối tác và cả khách hàng mà bạn làm việc cùng, mọi người thông tin được về sự vắng mặt sắp tới của bạn và có sự chuẩn bị về phía họ. Với những công việc liên quan đến nhiều người và nhiều phòng ban khác nhau, đây là điều cần thiết để đảm bảo công việc không bị gián đoạn. Có như vậy mới không xảy ra trường hợp mọi người than phiền hoặc đổ lỗi sự vắng mặt của bạn làm mọi thứ bị trì hoãn hay bị mất khách hàng.
 
Bàn giao kỹ cho người hỗ trợ

Tất nhiên những điều vừa nói ở mục 3 sẽ không xảy ra nếu bạn có một người “back up” giỏi. Tuy nhiên, người hỗ trợ của bạn có thể thay thế bạn giải quyết mọi việc hay không còn phụ thuộc vào cách bạn bàn giao trước khi nghỉ phép. Bạn không thể mong đợi anh A hỗ trợ bạn theo dõi khách hàng B nếu chỉ có bạn mới biết tình trạng hợp đồng với khách hàng hay ai là người liên hệ. Hoặc bạn yêu cầu họ phải lục tung máy tính của bạn để tìm hợp đồng A, B, C.
 
Trước khi nghỉ phép, hãy dành thời gian bàn giao cẩn thận, càng chi tiết càng tốt và đừng quên có hẳn một email tổng hợp mọi thông tin cần đồng nghiệp hỗ trợ. Ngoài ra, trong email tự động gửi của bạn nên có ít nhất thông tin của 2 người sẽ thay thế bạn giải quyết công việc, phòng trừ trường hợp một trong hai người quá bận.  
 
Lời kết

Anh bạn của tôi còn chia sẻ thêm, ở công ty mà anh đang làm, mỗi người đảm trách một việc khác nhau, tuy nhiên mọi người luôn được “học việc” của nhau. Sự phân chia và chuyên môn hóa giúp tăng hiệu suất công việc nhưng sẽ ra sao nếu chẳng may một người trong nhóm đột nhiên nghỉ việc và chưa thể tìm người thay thế ngay lập tức? Bằng cách đào tạo và hướng dẫn nhân viên, bạn đảm bảo rằng khả năng làm việc linh động của cả nhóm trong bất kỳ tình huống thay đổi nhân sự.

Theo HR Insider