Đào tạo Những kinh nghiệm dành cho người sắp đi làm

Những kinh nghiệm dành cho người sắp đi làm

18
Từ những trải nghiệm trong công việc và cuộc sống, anh Nguyễn Tuấn Quỳnh – Chủ tịch HĐQT Công ty Doanh Chủ đã rút ra bảy kinh nghiệm thiết thực để chia sẻ với các bạn trẻ sắp đi làm.

1.Định hướng cuộc đời: Bạn phải suy nghĩ nghiêm túc xem mình muốn trở thành người như thế nào, năm – mười năm nữa, bạn là ai. Có như vậy, bạn mới định hướng được cuộc đời mình. Tuy nhiên, định hướng này cũng chỉ mang tính tương đối và không cứng nhắc. Rất có thể bạn sẽ phải thay đổi khi hoàn cảnh thay đổi. Quan trọng là bạn luôn chủ động “điều khiển” cuộc đời mình.

2.Kỹ năng ngoại ngữ (tiếng Anh) và tin học: Thời đại bây giờ, tiếng Anh là một yêu cầu bắt buộc. Nó là phương tiện để bạn tiếp cận với thế giới. Bạn có thể lơ là học một vài thứ nhưng phải cố gắng học tốt tiếng Anh. Hãy lên kế hoạch học tiếng Anh từ hôm nay. Tin học, theo tôi, dẫu không quan trọng bằng ngoại ngữ nhưng nó là một kỹ năng cần có trong kỷ nguyên “công nghệ số” này.

3.Hãy làm tốt những công việc tầm thường nhất: 13 năm trước, tôi tốt nghiệp đại học với thành tích xuất sắc và được nhận vào làm ở một công ty dầu khí lớn. Tôi có những dự định to tát, nhưng những công việc đầu tiên tôi được giao là photocopy tài liệu, đánh máy văn bản, giao nhận hồ sơ, dịch tài liệu… Thật sự đó là nhũng công việc rất nhàm chán. Tuy vậy, tôi đã rất vui vẻ và tập trung để làm tốt. Chính những công việc “nhỏ nhoi” này đã giúp tôi rất nhiều sau này, trong những hoàn cảnh đặc biệt, tôi có thể “độc lập tác chiến” từ photocopy, fax tài liệu đến phiên dịch. Ngoài ra, các nhân viên của tôi cũng “kính nể” sếp hơn khi thấy sếp có thể làm tốt cả những công việc “tầm thường”. Triết lý ở đây là: “Nếu không thể làm tốt những chuyện nhỏ, ai dám giao cho bạn những chuyện lớn hơn?”.

4.Xây dựng và phát triển các mối quan hệ: Xây dựng được mối quan hệ tốt với các bạn đồng nghiệp, đồng môn…sẽ làm cuộc sống thêm phong phú và là cơ hội tốt để bạn học hỏi, nâng cao trình độ chuyên môn. Hãy chủ động, tích cực tham gia các CLB, hội, nhóm ngành nghề, hoạt động cộng đồng.

5.Hãy sống chân thành và đạo đức: Sống chân thành thì dễ hiểu rồi, còn sống đạo đức? Tôi tin vào hai quy luật của cuộc đời: Đó là luật nhân quả và luật bù trừ. 18 năm làm việc, tôi luôn sống và tuân thủ hai quy luật này, nhờ vậy, tôi đã nhận được từ cuộc đời rất nhiều. Thậm chí, đã có người cho tôi là quá may mắn.

6.Phấn đấu trở thành người giỏi nhất trong lĩnh vực của mình: Chắc chắn trong cuộc đời bạn sẽ làm nhiều công việc khác nhau. Tuy nhiên, cho dù làm việc gì, phải luôn phấn đấu trở thành người giỏi nhất. Có thể trên thực tế bạn không đạt được danh hiệu người giỏi nhất nhưng tôi tin với những cố gắng, nỗ lực của bản thân, bạn sẽ được đồng nghiệp, lãnh đạo hoặc cộng đồng nhìn nhận. Không quá tự hào nhưng qua những công việc đã làm, tôi luôn được đánh giá là một trong những người xuất sắc nhất. Vì vậy, tôi có nhiều cơ hội tốt để chọn lựa.

7.Sống cân bằng: Có vẻ là một yêu cầu khó trong xã hội “ngập tràn” stress như hiện nay. Tuy nhiên, bạn nên có những thú vui riêng để có thể cân bằng cuộc sống và giữ cho tâm trí luôn sáng suốt, vui vẻ. Tập chơi một môn thể thao hoặc làm quen với thú sưu tập, đi du lịch, câu cá, đọc sách… sẽ giúp bạn giải tỏa căng thẳng, xua đuổi mệt mỏi. Cuối cùng, châm ngôn sống của tôi: “Hãy sống ở thể chủ động, ở cách khách quan, ở thì hiện tại và ở ngôi thứ nhất. Hãy sử dụng động từ: Yêu thương!”.

Theo DNSG