Theo Nhân Dân, Bản nghị quyết gồm 4 phần và được Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 03/6/2017. Trong đó, mục tiêu phát triển kinh tế tư nhân được trình bày rất cụ thể, nhằm giúp kinh tế tư nhân thực sự trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.
“Phấn đấu đến năm 2020 có ít nhất một triệu doanh nghiệp; đến năm 2025 có hơn 1,5 triệu doanh nghiệp và đến năm 2030, có ít nhất hai triệu doanh nghiệp. Tốc độ tăng trưởng của kinh tế tư nhân cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của nền kinh tế. Phấn đấu tăng tỷ trọng đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân vào GDP để đến năm 2020 đạt khoảng 50%, năm 2025 khoảng 55%, đến năm 2030 khoảng 60 – 65%” – bản Nghị quyết nêu rõ.
Bản Nghị quyết cũng đề ra mục tiêu thu hẹp khoảng cách về trình độ công nghệ, chất lượng nhân lực và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp tư nhân so với nhóm dẫn đầu ASEAN-4. Phấn đấu để nhiều doanh nghiệp tư nhân tham gia mạng sản xuất, chuỗi giá trị khu vực và toàn cầu.
Đảng, Nhà nước sẽ thực hiện 5 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu
Nghị quyết lần này cũng đề ra 5 nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu, bao gồm: Thống nhất nhận thức, tư tưởng, hành động; Tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi; Hỗ trợ kinh tế tư nhân đổi mới sáng tạo, hiện đại hóa công nghệ và phát triển nguồn nhân lực, nâng cao năng suất lao động; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; Đổi mới nội dung, phương thức và tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, nâng cao vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, xã hội – nghề nghiệp.
Về giải pháp tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi cho phát triển kinh tế tư nhân, bản Nghị quyết cho biết Nhà nước sẽ bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.
Nhà nước cũng sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút đầu tư tư nhân vào bảo đảm hoạt động của kinh tế tư nhân theo cơ chế thị trường. Nhà nước không biến các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế tư nhân thành bao cấp, phục vụ “lợi ích nhóm” dưới mọi hình thức.
Mở rộng khả năng tham gia thị trường và thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng cũng là một nội dung được nêu trong bản Nghị quyết. Cụ thể là phát triển mạnh mẽ, thông suốt, đồng bộ các thị trường; Tăng cường công tác phòng, chống gian lận thương mại, thao túng, chi phối thị trường, bóp méo giá cả, quan hệ cung – cầu hàng hóa, dịch vụ; Xóa bỏ các rào cản, chính sách, các biện pháp hành chính can thiệp trực tiếp vào thị trường và sản xuất kinh doanh; Xây dựng chính sách tạo điều kiện để kinh tế tư nhân tham gia vào quá trình cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước;…
Nghị quyết cũng nêu rõ giải pháp về phát triển kết cấu hạ tầng, tăng cường khả năng tiếp cận các nguồn lực. Kinh tế tư nhân sẽ được tiếp cận thị trường đất đai, tài nguyên một cách minh bạch, bình đẳng theo cơ chế thị trường. Nhà nước cũng sẽ tạo điều kiện bình đẳng, thuận lợi cho kinh tế tư nhân tiếp cận vay vốn ngân hàng, huy động vốn trên thị trường chứng khoán, nhất là phát hành trái phiếu doanh nghiệp và sử dụng các dịch vụ tài chính với chi phí hợp lý.
Theo trí thức trẻ