Đừng tưởng mở 1 quán cà phê thành công thì cũng dễ dàng mở thêm đc nhiều quán, sai lầm lớn nhất của người trẻ nằm ở tư duy này

Từ quán cà phê thứ 4, thứ 5 được mở, quy mô về nhân sự, tài chính lẫn dòng tiền sẽ thay đổi rất nhiều. Và một trong những yếu tố sẽ quyết định sự thành công, hay thất bại của chuỗi cà phê sau này sẽ là…


Ảnh minh họa

Trong chương trình Cafe8 số thứ 5 được phát sóng trên Fanpage Cafebiz, Vũ Việt Anh – CEO và cũng là nhà sáng lập chuỗi 12 cửa hàng Gemini Coffee đã có những chia sẻ thẳng thắn về kinh nghiệm mở chuỗi cà phê của mình, đồng thời, anh cũng chỉ ra những sai lầm mà người trẻ thường mắc phải khi từ kinh doanh hộ gia đình chuyển lên chuỗi.

Vũ Việt Anh cho biết, mở một quán cà phê, thậm chí là 2 quán thành công, không đồng nghĩa mở thành chuỗi sẽ thành công. Từ quán thứ nhất, mở quán thứ 2, rồi thứ 3, công việc kinh doanh sẽ không có nhiều thay đổi.

Nhưng câu chuyện sẽ đi xa hơn, nếu người trẻ quyết định mở tới quán cà phê thứ 4, thứ 5. Khi đó, quy mô về nhân sự, tài chính lẫn dòng tiền sẽ thay đổi rất nhiều. Và một trong những yếu tố sẽ quyết định sự thành công, hay thất bại của chuỗi cà phê sau này sẽ là quy trình.

Chi tiền mở chuỗi nhanh, mạnh nhưng lại thiếu sự đồng nhất

Thật vậy, theo nhà sáng lập Gemini Coffee, tư duy của người trẻ nói chung là háo thắng, thấy có lợi là lập tức xông lên. Về cơ bản, tư duy này rất tự nhiên, nó thể hiện sự nhạy bén trong kinh doanh – thấy cơ hội kinh doanh được là làm ngay.

Nhưng trước khi đầu tư để tiến lên chuỗi, các bạn trẻ cần cân nhắc xem, bản thân mình đã thực sự tạo ra được quy trình đủ tốt để chuỗi vận hành được chưa.

Vũ Việt Anh cho rằng, với một, hai quán cà phê, người trẻ có thể thỏa sức sáng tạo theo ý mình. Nhưng một khi mở đến bốn, năm quán cà phê, yếu tố kỉ luật phải được ưu tiên hàng đầu và phải được đóng gói thành một quy trình đồng nhất.

“Tiến lên chuỗi, sự đồng đều là quan trọng nhất, đây là yếu tố quyết định bạn thành công, hay thất bại. Mở tới bốn, năm quán cà phê, bạn phải hoàn thiện từng bước một, từ đồ uống, chất lượng dịch vụ, đến nhân sự phải đồng đều như nhau”, CEO này khẳng định.

Vũ Việt Anh nêu ví dụ, khách hàng đi đâu cũng phải cảm được cái hồn của quán. Khách hàng bước chân vào Gemini Coffee Nguyễn Thị Định cũng phải cảm thấy giống điểm bán ở Nam Đồng. Nếu không có sự đồng nhất, giống nhau, coi như đã thất bại.

Kể về quá trình tiến lên chuỗi của mình, nhà sáng lập này cho biết, cảm giác bán khoảng 300 ly nước/ngày rất khác với áp lực bán 3.000 ly nước.

“Thời điểm đó, mình gần như phải tư duy lại về hệ thống Gemini Coffee. Đi lên từ kinh doanh hộ gia đình, nhìn thấy được cơ hội phát triển thành chuỗi, nhân số quán cà phê lên, thì tư duy của mình cũng phải thay đổi theo nó”, Vũ Việt Anh chia sẻ.

Tiến lên chuỗi, tư duy của nhà quản lý rất quan trọng

Nhà sáng lập Gemini Coffee cho hay, kể cả là một người bình thường, việc quản lí 2-3 nhân viên không phải công việc quá khó khăn. Nhưng khi mở tới 4-5 quán cà phê, hoặc nhiều hơn, không phải người trẻ nào cũng đủ khả năng quản trị.

Anh cho biết, tốc độ mở chuỗi nhanh cũng đồng nghĩa người quản lý phải bổ sung kiến thức, kinh nghiệm để bắt kịp. CEO này kể lại, ban đầu chỉ có vài ba quán cà phê nhỏ, anh có thể kiểm soát được công việc hàng ngày, thậm chí là cùng nhân viên phục vụ khách.

Nhưng khi có trên 10 cửa hàng, nhà quản lý như anh không thể tiếp tục công việc trước kia nữa, không thể tìm hiểu tất cả mọi việc. Lúc này, anh buộc phải có một đội ngũ quản lí bên dưới, phân quyền cho các bạn để quản lý các công việc nhỏ nhặt hơn.

“Tiến lên chuỗi rồi, bạn không thể tự mình giải quyết tất cả công việc như trước. Bạn không đủ thời gian. Đây chính là lúc bạn cần một đội ngũ kế cận, đào tạo, giao quyền và tin tưởng họ. Như vậy chuỗi mới có thể vận hành trơn tru được”, Vũ Việt Anh chia sẻ.

Tất nhiên, nhà sáng lập này không phủ nhận, ngoài yếu tố về công việc, cảm giác cô đơn là không tránh khỏi. Trước kia chỉ điều hành một vài bạn nhân viên, không khí khá vui vẻ, vì lúc này anh có thể tiếp xúc trực tiếp với các bạn, hiểu các bạn hơn.

Còn khi đã mở tới 4, 5 cửa hàng, nhà quản lý thường chỉ làm việc qua các báo cáo, chủ yếu mang tính định hướng hơn là chỉ đạo trước tiếp, mà nói theo cách khác “mọi công việc muốn được giải quyết phải qua nhiều lần cầu”.

Vũ Việt Anh cho rằng, nếu việc xa cách nhân viên là không tránh khỏi, nhà quản lý cần tạo ra một không khí hòa đồng, tổ chức các sân chơi chung, gắn kết nhân sự các cấp lại với nhau, phần nào rút ngắn được khoảng cách trong công việc.

Theo trí thức trẻ