Marketing Hàng hóa quảng cáo sai sự thật sẽ bị phạt nặng

Hàng hóa quảng cáo sai sự thật sẽ bị phạt nặng

22
Dự kiến mức xử phạt vi phạm quảng cáo không trung thực, sai chất lượng hàng hóa đăng ký sẽ tăng từ mức tối đa 40 triệu đồng hiện nay lên đến 200 triệu đồng sau khi Luật Quảng cáo chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2013.
Thông tin trên được ông Trần Minh Chính, Phó cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, cho biết tại hội nghị phổ biến nội dung Luật Quảng cáo do bộ này tổ chức ngày 10-8 tại TPHCM.
Lo quảng cáo không trung thực gia tăng
Theo ông Chính, hiện bộ đang dự thảo một nghị định riêng về xử phạt vi phạm trong hoạt động quảng cáo. Theo đó, sẽ xử phạt thật nghiêm và mức xử phạt cũng nâng cao hơn hiện nay, dự kiến mức phạt sẽ tăng gấp 5 lần, tức là 200 triệu đồng cho những lỗi quảng cáo hàng hóa không trung thực, quảng cáo không đúng sự thật.
Ông Chính cho rằng ở một số nước, mức xử phạt đối với hành vi quảng cáo không trung thực cũng rất cao. Chẳng hạn có một hãng thuốc tân dược ở Mỹ vừa bị phạt đến 61 triệu đô la Mỹ do thực hiện sai luật về tiếp thị quảng cáo thuốc. Do vậy, trong tình hình quảng cáo lộn xộn ở Việt Nam như hiện nay thì việc tăng mức xử phạt là cần thiết.
“Các mức xử phạt tăng mạnh trong lĩnh vực quảng cáo hiện nay đang nằm trong dự kiến sẽ được đưa vào nghị định xử phạt riêng trong thời gian tới. Một ‘vũ khí’ quan trọng trong hậu kiểm trong hoạt động quảng cáo là phải xử phạt nặng, đặt biệt với sự bùng nổ của công nghệ thông tin hiện nay thì lo ngại việc quảng cáo tràn lan, không trung thực sẽ gia tăng”, ông Chính cho biết qua trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online bên lề hội nghị.
Luật Quảng cáo cấm gì?
Luật Quảng cáo được Quốc hội thông qua ngày 21-6-2012 và chính thức có hiện lực từ ngày 1-1-2013 để thay thế cho Pháp lệnh quảng cáo số 39/2001/PL-UBTVQH ban hành ngày 16-11-2001. Luật Quảng cáo quy định Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch chịu trách nhiệm trước Chính phủ về việc thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo.
Theo ông Chính, một số điểm mới trong Luật Quảng cáo mà các tổ chức, cá nhân cần lưu ý là quy định về sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo bao gồm: thuốc lá, rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên (khác với Luật Thương mại quy định rượu có nồng độ cồn 30 độ), sữa dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng cho trẻ dưới 6 tháng tuổi, bình vú, vú ngậm nhân tạo …
Theo Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, trong khoảng 10 năm gần đây, hoạt động dịch vụ quảng cáo tại Việt Nam phát triển rất mạnh.
Từ năm 2001, chỉ có vài trăm doanh nghiệp quảng cáo thì nay đã phát triển lên đến hàng ngàn doanh nghiệp quảng cáo, doanh thu hàng năm lên đến hàng tỉ đô la Mỹ.
Đối với hành vi cấm quảng cáo, Luật Quảng cáo quy định một số nội dung mới như: quảng cáo thiếu thẩm mỹ, xâm phạm tự do tín ngưỡng, tôn giáo, định kiến giới, về người khuyết tật, quảng cáo sử dụng phương pháp so sánh trực tiếp, quảng cáo có sử dụng các từ “nhất”, duy nhất, tốt nhất, số một hoặc các từ có ý nghĩa tương tự mà không có tài liệu hợp pháp chứng minh.
Về thủ tục hành chính thì luật cũng bãi bỏ giấy phép thực hiện quảng cáo trên bảng, băng rôn thay bằng thủ tục thông báo sản phẩm quảng cáo đến cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo. Bãi bỏ giấy phép ra phụ trương quảng cáo thay bằng thủ tục thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước về báo chí.
So với Pháp lệnh quảng cáo, Luật Quảng cáo cũng điều chỉnh diện tích quảng cáo trên báo chí. Cụ thể quy định diện tích quảng cáo trên báo in không vượt quá 15% tổng diện tích một ấn phẩm (pháp lệnh quy định 10%); 20% tổng diện tích một ấn phẩm tạp chí (trước đây pháp lệnh không quy định riêng cho tạp chí).
Đối với báo nói, báo hình thì luật quy định được quảng cáo không quá 10% tổng thời lượng phát sóng (pháp lệnh quy định 5%); truyền hình trả tiền được quảng cáo không quá 5% (pháp lệnh không quy định riêng cho truyền hình trả tiền).
Luật Quảng cáo còn quy định cụ thể: chỉ được gửi tin nhắn, thư điện tử quảng cáo khi có sự đồng ý trước của người nhận; chỉ được gửi từ 7 giờ đến 22 giờ; không được gửi quá 3 tin nhắn và 3 thư điện tử đến một số điện thoại hoặc một địa chỉ thư điện tử trong vòng 24 giờ trừ trường hợp có sự thỏa thuận khác.
Theo nhận định của ông Trần Minh Chính thì “tin nhắn rác” hiện đang gây ảnh hưởng, cản trở rất nhiều đến sinh hoạt của người dân. “Riêng bản thân tôi mỗi ngày cũng nhận được vài chục cái tin rác, rất mất thời gian”, ông Chính nói tại hội nghị sáng nay.
Về quảng cáo có yếu tố nước ngoài, nếu Pháp lệnh quảng cáo có quy định tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài được đặt chi nhánh tại Việt Nam thì Luật Quảng cáo quy định chỉ cho phép doanh nghiệp quảng cáo nước ngoài được thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam chứ không được phép thành lập chi nhánh tại Việt Nam.
Về xử lý vi phạm, ông Chính cho biết, các vi phạm về quảng cáo sẽ do Hội đồng thẩm định sản phẩm quảng cáo trực thuộc Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xem xét và đưa ra kết luận xử lý từng trường hợp vi phạm cụ thể. Bộ sẽ ban hành thông tư để thành lập hội đồng này trong thời gian tới.
Đề xuất quy định quảng cáo ngoài trời
Cũng trong sáng nay, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã lấy ý kiến các sở ngành các tỉnh phía Nam và các doanh nghiệp trong lĩnh vực quảng cáo cho dự thảo nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Quảng cáo. Dự kiến nghị định này sẽ được bộ trình Chính phủ xem xét ban hành trong tháng 11-2012 để có thể áp dụng cùng với thời điểm luật có hiệu lực thi hành vào đầu năm tới.
Hiện nay, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ soạn thảo bộ quy chuẩn thống nhất trên cả nước về quảng cáo, chủ yếu là quảng cáo ngoài trời.
Căn cứ vào bộ qui chuẩn này, các tỉnh thành sẽ xây dựng quy hoạch quảng cáo ngoài trời cho từng địa phương, các quy hoạch quảng cáo ngoài trời cũng sẽ được UBND các tỉnh thành ban hành một năm sau khi Luật Quảng cáo có hiệu lực.
Ông Đinh Quang Ngữ, Chủ tịch Hiệp hội Quảng cáo Việt Nam, kiến nghị, trong nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quảng cáo, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch cần đưa thêm quy định về tổ chức đấu thầu quảng cáo ngoài trời, có thể áp dụng cho tuyến đường, từng khu vực để tránh tình trạng tiêu cực trong cấp phép quảng cáo ngoài trời.
Theo ông Nguyễn Văn Minh, Phó giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TPHCM, trong tuần tới, thành phố sẽ triển khai phổ biến Luật Quảng cáo cho các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.
Hiện mỗi năm thành phố cấp hơn 10.000 giấy phép quảng cáo. Việc đầu tiên thành phố sẽ làm sau khi Luật Quảng cáo có hiệu lực đầu năm tới là chấn chỉnh các bảng hiệu quảng cáo lộn xộn trên các tòa nhà hiện nay, ông Minh nói.
Văn Nam

Theo TBKTSG