Tin tức lưu trữ Hàng trăm người giao lưu trực tuyến với Chủ tịch HĐQT Lữ...

Hàng trăm người giao lưu trực tuyến với Chủ tịch HĐQT Lữ Thành Long

5
Vào sáng ngày 09/11, tại trụ sở chính của Công ty Cổ phần MISA, Chủ tịch HĐQT Lữ Thành Long đã tham gia chương trình giao lưu trực tuyến “Co-Founders – người đồng hành trên con đường khởi nghiệp” do Tổ hợp giáo dục TOPICA  tổ chức. 

Buổi giao lưu đã thu hút sự quan tâm của hàng trăm người qua mạng xã hội facebook.




Chủ tịch HĐQT Lữ Thành Long cùng nhóm thực hiện của TOPICA tại buổi giao lưu trực tuyến



Dưới đây là một số câu hỏi đã được gửi đến Chủ tịch giải đáp



Chủ tịch HĐQT Lữ Thành Long hăng say trả lời các câu hỏi được gửi về


Câu hỏi 1: Có nhất thiết cần có co-founder không?

Chủ tịch HĐQT Lữ Thành Long:

Thử nhìn lịch sử một chút thì thấy:

– Xưa có Lưu Bang (Hán Cao Tổ) khi khởi nghiệp thì phải có người đồng nghiệp lúc đầu là: Phàn Khoái, Tiêu Hà, Tào Tham mới làm nên sự nghiệp hơn 400 năm.
– Nhìn lại Microsoft thấy Bill Gate phải có Paul Allen mới có thể trở thành Người giàu nhất thế giới.
– Facebook có ngày nay là do Mark Zuckerber đã cùng với Eduardo Saverin, Chris Hughes và Dustin Moskovitz, sáng lập ra.

Vậy tại sao những người này lại cần có đồng sáng lập:
– Tận dụng tài năng khác biệt của nhau để hợp nên sức mạnh về Kinh doanh/Sản xuất/Tài chính/Quản trị/…
– Củng cố niềm tin để tạo nên sức mạnh về tinh thần
– Không cần điều kiện tài chính vẫn có được đội ngũ nhiệt huyết
3 điểm nói trên từ các đồng sáng lập mà bạn không thể tìm được ở bất cứ chuyên gia giỏi hoặc nhân viên được thuê nào





Câu hỏi 2: Cơ sở, tiêu chí nào để đánh giá một người là co-founders phù hợp với mình? Tiêu chí nào là quan trọng nhất? Làm sao để đánh giá được những tiêu chí đó? _ Nhiều người hỏi




Chủ tịch HĐQT Lữ Thành Long: Hãy trả lời câu hỏi tại sao bạn phải tìm đồng sáng lập?

– Phải chăng bạn yếu về một chuyên môn nào đó như: Kinh doanh/Công nghệ/Quản trị tài chính/PR Marketing mà ko thể thuê người làm với giá rẻ và lại có đẳng cấp cao?
– Phải chăng bạn cần một người đồng hành về mặt tinh thần để ủng hộ bạn hoặc phản biện cho bạn các toan tính và kế hoạch?
– Phải chăng bạn cần sự ủng hộ về nguồn lực tài chính cho việc khởi nghiệp ban đầu?
Trả lời được 3 câu hỏi trên bạn sẽ biết mình cần một người đồng sáng lập như thế nào và liệu một người cụ thể đang đứng trước mặt bạn có phải là người đó hay không.







Càng về sau, các câu hỏi gửi về càng nhiều và Chủ tịch HĐQT Lữ Thành Long càng nhiệt tình chia sẻ


Câu hỏi 3: Chào anh Long, nếu trong 1 nhóm khởi nghiệp, mỗi cá nhân đều có một tính cách riêng, một suy nghĩ riêng về dự án. Vậy với tư cách là trưởng nhóm, theo anh người trưởng nhóm cần có những tính cách gì, những phương pháp gì để có thể biến họ đều cùng nhau làm việc hiệu quả và kết nối được các suy nghĩ đó lại với nhau trong dự án của mình? Xin cám ơn anh. (Câu hỏi của bạn Đặng Thành – Đại học công nghiệp HN)


Chủ tịch HĐQT Lữ Thành Long: Người Trưởng nhóm thường phải có những tố chất căn bản như sau:

– Có thể vạch đường chỉ lối hay nói cách khác là phải có khả năng vẽ ra một Bức tranh tương lai của sự thành công và thuyết phục được cả nhóm tin tưởng vào tính hiện thực của việc đạt được tương lai đó.

– Phải có khả năng hiểu rõ tính cách và sức mạnh chuyên môn của mỗi thành viên để biết cách phân công đúng người, đúng việc và động viên mọi người theo đúng kiểu mà họ thích.

– Phải là tấm gương về đạo đức, chuyên môn và lối sống để anh em nể phục, kính trọng và noi theo.



Ban thư ký biên tập ghi lại nội dung trả lời để đăng lên website và facebook thảo luận



Câu hỏi 4: Khi nào cần sa thải 1 co-founder? Hay nên giữ họ lại và cho xuống vị trí thấp hơn, ít vai trò hơn? Mong anh Long có thể chia sẻ lại những kinh nghiệm anh Long đã trải qua khi thấy co-founders của mình không còn đủ khả năng đáp ứng yêu cầu công việc (Bùi Phương Nga _ ĐH Ngoại thương)


Chủ tịch HĐQT Lữ Thành Long: Không thủ lĩnh nào muốn sa thải hay tìm cách hạ thấp hoặc giảm bớt vai trò của các đồng sáng lập, tuy nhiên thường thì công ty phát triển đến một ngưỡng nhất định nào đó mà bắt đầu cần các Tài năng từ bên ngoài vào để mở rộng và phát triển sẽ gặp phải rào cản của các công thần. Khi đó nếu xử lý không tốt sẽ dẫn tới sự tan vỡ mà hai phía đều đau lòng. Nguyên nhân chủ yếu của việc này thường nằm ở mấy điểm sau:

– Một số đồng sáng lập nhìn chung vốn dĩ không phải là thiên tài nhưng được Trưởng nhóm sử dụng và phát huy hết sức mạnh nên đã làm được một số nhưng thành quả đáng nể. Sự thành công của cả nhóm khiến một vài người nghĩ không có mình thì không thể có kết quả như ngày nay do vậy họ bắt đầu hưởng thụ sự thành công cả về vật chất và tinh thần mà quên đi việc liên tục phải học hỏi và phát triển như vậy họ đã trở thành một Công thần lúc nào đó mà không hay (Cái này cổ nhân gọi là Ngưu tắc Mã).

– Người Thủ lĩnh thường là người có tham vọng cao và không bao giờ muốn hạn chế thành công vì vậy họ bắt đầu vật lộn với việc làm thế nào để nâng cấp các Công thần lên phiên bản mới, khi thất bại với việc này họ sẽ phải tìm đến các nguồn lực bên ngoài và điều này chính là đỉnh điểm của của việc đổ vỡ bởi người mới đến sẽ ko thể làm việc nổi khi bị Công thần cản trở. Thủ lĩnh đương nhiên phải lựa chọn sự nghiệp thay vì con người cụ thể và do vậy thường thì phần lớn các Công thần sẽ phải ra đi ở thời điểm này. Có câu “Vị nghĩa bất vị ngữ, Vị pháp bất vị thân” nghĩa là muốn hiểu ý của câu thì đừng câu nệ từ ngữ, muốn đề cao luật pháp thì không thể nể chỗ thân tình.

Xưa nay ít công ty tránh được điểm đổ vỡ này, theo kinh nghiệm của tôi thì việc sớm nhận thức ra điều này và truyền thông tốt may ra có thể hạn chế được thiệt hại một cách tối đa mà thôi.


Và còn rất nhiều câu hỏi khác….





Buổi giao lưu thành công, Chủ tịch HĐQT Lữ Thành Long đã mang đến nhiều thông tin bổ ích cho những người đang và sẽ là các Start-up

Với những câu chuyện dí dỏm mà sâu sắc, Chủ tịch HĐQT Lữ Thành Long đã giải đáp câu hỏi của khán giả vô cùng dễ hiểu và rất xác đáng. Rất nhiều thành viên trong khóa học tỏ ra rất tâm đắc với các câu trả lời của anh!