Trong phần trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã thẳng thắn nhìn nhận trách nhiệm, đồng thời đưa ra 5 giải pháp khắc phục những hạn chế, yếu kém khuyết điểm, nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý điều hành và 4 nhóm giải pháp cơ bản để giúp DN vượt qua khó khăn, nhất là DNNVV.
Trong phần trả lời chất vấn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định: “Chúng tôi sẽ nỗ lực phấn đấu làm hết sức mình để khắc phục những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm của mình để hoàn thành được chức năng, nhiệm vụ, trọng trách mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin cậy giao phó”.
Nâng cao năng lực quản lý
Để khắc phục những hạn chế, yếu kém, khuyết điểm của mình và để nâng cao năng lực lãnh đạo quản lý điều hành, Thủ tướng đã đưa giải pháp:
Thứ nhất, nâng cao năng lực và chất lượng trong xây dựng hoàn thiện thể chế, cơ chế luật pháp và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong thực thi thể chế, cơ chế luật pháp.
Thứ hai, nâng cao năng lực dự báo, phân tích đánh giá tình hình và đưa ra cơ chế chính sách, phản ánh chính sách một cách kịp thời, phù hợp hiệu quả trong điều kiện kinh tế thị trường năng động, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng diễn biến rất nhanh, rất phức tạp và đầy biến động.
Thứ ba, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý trong việc xây dựng hoàn thiện các quy hoạch chiến lược, kế hoạch, quản lý.
Thứ tư, tập trung tăng cường kỷ luật, kỷ cương, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát để khắc phục những khuyết điểm, hạn chế, yếu kém của mình. Điển hình như giám sát kiểm tra đối với các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà
Thứ năm, tập trung chỉ đạo hoàn thiện hệ thống tổ chức bộ máy của Chính phủ, bộ máy hành chính các cấp,.
Mong DN cùng đồng hành
Trả lời câu hỏi của đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) về những giải pháp cơ bản để giúp DN vượt qua khó khăn, nhất là DNNVV, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết:
Nhóm giải pháp thứ nhất phải tập trung chỉ đạo để tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô. Trong đó đặc biệt quan tâm phải kiềm chế cho được lạm phát, không để lạm phát cao trở lại. Đây là một giải pháp vừa trước mắt, vừa cơ bản lâu dài để giảm bớt khó khăn cho DN và để DN vượt qua khó khăn duy trì được sản xuất kinh doanh; Thứ hai, phải tăng cường ổn định vĩ mô, đó là duy trì tăng trưởng hợp lý; Thứ ba, trong kinh tế vĩ mô từng bước bảo đảm cân đối hợp lý các cán cân thanh toán, cả về cán cân xuất nhập khẩu, cả về cán cân vãng lai, cán cân tổng thể của nền kinh tế trên cơ sở khuyến khích sản xuất hàng xuất khẩu.
Nhóm giải pháp thứ hai, cũng là giải pháp cơ bản đó là đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, chuyển đổi mô hình kinh tế gắn liền với triển khai thực hiện có hiệu quả các khâu đột phá để tạo thuận lợi trước mắt và cơ bản lâu dài cho DN. “Ví dụ vừa qua chúng ta đã tập trung triển khai tái cơ cấu đầu tư công; tái cơ cấu DN Nhà nước, trong đó trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, TCty nhà nước; tập trung tái cơ cấu hệ thống tài chính, trong đó là các ngân hàng thương mại. Trong khi đó đã triển khai thực hiện 3 khâu đột phá như hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường để tạo điều kiện môi trường hoạt động thuận lợi tốt hơn cho DN, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực cao để tạo môi trường, tăng năng suất, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung, trong đó có DN…” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Nhóm giải pháp cơ bản thứ ba đó là giải quyết hàng tồn kho, giải quyết nợ xấu, giải quyết đóng băng của thị trường bất động sản.
Nhóm giải pháp thứ tư, Chính phủ đã làm, đang làm nhưng cần phải làm tốt hơn, thiết thực hơn, đó là cải cách hành chính. Bao gồm cả cải cách thể chế và thủ tục hành chính.
Trong thể chế thì, hết sức quan tâm đối với DN là thể chế về tài chính, thuế, phí, về tiếp cận nguồn vốn, tiếp cận đất đai, các thủ tục hoạt động của DN Nhà nước như đăng ký kinh doanh và các điều khác như điều kiện thành lập DN cũng như phá sản DN còn rất nhiều vướng mắc…
Để giúp DN vượt qua khó khăn, duy trì phát triển, quản lý, kinh doanh thì các nhóm giải pháp này phải được thực hiện đồng bộ, đồng thời, có trọng tâm, trọng điểm trong từng lĩnh vực, trong từng thời gian, đem lại kết quả, hiệu quả thiết thực.
Thủ tướng cho rằng: Chính phủ hành động không chưa đủ, mà rất mong đứng trước khó khăn, từng DN, từng nhà lãnh đạo DN hãy tự đổi mới, tự tính toán, cơ cấu lại DN, cơ cấu lại phương án sản xuất, kinh doanh, quản trị, điều hành để nâng cao năng suất, hiệu quả sức cạnh tranh của DN mình, vượt qua khó khăn bằng chính nội lực, khả năng của mình. “Có như thế Đảng, Nhà nước, Chính phủ với từng DN, cộng đồng DN mới cùng nhau vượt qua khó khăn, thực hiện được mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an sinh xã hội” – Thủ tướng nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng:
Giải quyết các vấn đề bất cập
Đối với Bộ trưởng Bộ Công Thương phải khẩn trương triển khai các kết luận tại kỳ họp trước, đồng thời tiếp tục triển khai những kết luận tại kỳ họp này. Trong đó tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, cho DN mở rộng thị trường trong nước và quản lý thị trường nhập khẩu, phát triển thị trường hàng hóa, khuyến khích tiêu dùng hàng trong nước, quản lý chặt chẽ tỷ lệ nhập siêu để có thể giải quyết hàng tồn kho, phát triển sản xuất, khôi phục lại tăng trưởng và mở rộng được thị trường, từ đó giải quyết công ăn, việc làm và đời sống của người dân; Cần khẩn trương tiếp tục rà soát quy hoạch tổng thể về điện để cuối năm sau báo cáo Quốc hội về kết quả rà soát, phải đưa ra được cụ thể những dự án dừng, những dự án tiếp tục và những dự án phải có điều chỉnh.
Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng giải quyết để tạo bước chuyển động, làm ấm lên thị trường bất động sản, đi theo đó để xử lý đóng băng về thị trường, giải quyết tình trạng đất bỏ hoang, điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh cơ cấu thị trường và xử lý nợ xấu trong lĩnh vực này.
Yêu cầu Thống đốc tăng cường kiểm tra, thanh tra, kiểm soát để giải quyết những tiêu cực trong hoạt động ngân hàng, trong hoạt động thị trường tiền tệ, trong hoạt động của thị trường vàng. Đối với thị trường vàng thì quản lý để đảm bảo lợi ích của người dân là tích trữ, là tiêu dùng hàng hóa theo đúng nghĩa, quản lý mặt hàng này theo hướng không sử dụng vàng làm phương tiện thanh toán trong nền kinh tế để chống vàng hóa đi liền với chống đô la hóa và ngoại tệ hóa.
Quốc hội cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến triển khai tích cực các biện pháp mà Bộ trưởng đã cam kết để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tích cực giải quyết để khắc phục những yếu kém trong quản lý các nhà đầu tư, các phòng khám, liên quan đến khám, chữa bệnh chất lượng. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh từ cơ sở cấp xã đến cấp Trung ương, liền với đó có nhiều biện pháp tích cực được quản lý và đảm bảo văn hóa, danh dự, y đức của ngành y tế…
Theo baocongthuong