Đã khá lâu, người tiêu dùng Việt Nam mới chứng kiến Nokia và BlackBerry khuấy động thị trường điện thoại với các cuộc ra mắt thật sự ấn tượng.
Ngày 12.12, hãng Research In Motion (RIM) thông báo mở cửa hàng đầu tiên với tên gọi BlackBerry by Smartcom Lifestyle Store tại trung tâm thương mại Vincom A, TP.HCM. Ngày 11.12, Nokia chính thức công bố ba dòng sản phẩm mới tại Việt Nam bao gồm: Lumia 920, Lumia 820 và Lumia 620.
RIM tung ra Curve 9320 và Curve 9220 nhắm đến thị trường tầm trung với 5,3 và 4,3 triệu đồng nhưng tích hợp tất cả các ứng dụng mạng xã hội RIM; đồng thời quảng bá cho sản phẩm đẳng cấp BlackBerry Porsche Design P’9981 tại Việt Nam có mức giá đến 45 triệu đồng. Người lãnh đạo của RIM cũng không quên quảng bá cho mạng kết nối 80 triệu người dùng sản phẩm và dịch vụ BlackBerry trên toàn cầu. RIM bắt đầu có những sản phẩm kèm gói dịch vụ mạng khá đột phá trên thị trường.
Điểm nhấn của RIM còn ở các hoạt động kinh doanh tại Việt Nam như mở rộng kênh phân phối, chương trình hợp tác với nhà mạng, mở cửa hàng bán lẻ uỷ quyền và trung tâm dịch vụ hỗ trợ trực tiếp người dùng. Ông Benoit Nalin, người rất am hiểu thị trường Việt Nam sau nhiều năm điều hành Nokia Việt Nam, đã được RIM bổ nhiệm làm giám đốc phụ trách cả thị trường Việt Nam. Bước đi này của RIM mới chính là điều các đối thủ khác đáng lo ngại. “Một thị trường gần 90 triệu dân thì tất cả đều có thể tìm ra cơ hội”, theo ông Benoit.
Cuộc chinh phục mới của Nokia dựa vào bộ ba sản phẩm cách tân về thiết kế, chạy nền tảng Windows Phone 8, nổi bật với công nghệ hình ảnh và định vị. Đặc biệt, dòng Lumia 620 với giá hơn 5 triệu, sẽ là “đối thủ” khó chịu cho nhiều sản phẩm cùng phân khúc. Ông William Hamilton – Whyte, giám đốc Nokia Vietnam, phân tích: thị trường điện thoại luôn song hành hai “cuộc chiến”: thiết bị và nền tảng, không dễ dàng thắng trong ngày một ngày hai, nhưng ông tự tin “cả ba sản phẩm mới của Nokia là sự cải tiến vượt bậc về cả thiết kế lẫn nền tảng”.
Điểm chung nhất trong thế rượt đuổi là cả hai hãng gần đây là đều xúc tiến mạnh mẽ các chương trình phát triển ứng dụng, hỗ trợ cộng đồng phát triển, đẩy mạnh kênh đối tác và dịch vụ. RIM công bố chương trình đào tạo phát triển ứng dụng trên nền BlackBerry tại các trường đại học và các hỗ trợ về công nghệ BlackBerry tại môi trường doanh nghiệp – vốn là thế mạnh của hãng này. RIM cũng dựa vào đối tác mở rộng kênh phân phối và bán lẻ, việc mà xưa giờ RIM chưa thành công ở Việt Nam.
Nokia thông qua quỹ hỗ trợ của ngân hàng Thế giới (WB) tài trợ chương trình phát triển ứng dụng di động cho mLab, đồng thời công bố đối tác khá mạnh là FPT để phát triển hệ cộng sinh di động cho cả hai phân khúc khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. “Đối tác mạnh như FPT không chỉ giúp chúng tôi phát triển kênh bán hàng mà còn phát triển hệ sinh thái người dùng theo cả chiều rộng và sâu”, ông William khẳng định.
Trên toàn cầu cả RIM và Nokia đều đang gặp khó khăn bởi những năm qua xoay trở chậm trước “trào lưu cảm ứng”. Nhưng sự khác nhau tại Việt Nam: RIM chậm chân hơn Nokia rất nhiều. Những năm qua RIM chật vật phát triển kênh trong khi Nokia vẫn dẫn đầu thị phần tại Việt Nam, dù chủ yếu cầm cự ở phân khúc phổ thông, nhường thị trường cao cấp cho các đối thủ khác. Chỉ cần có sản phẩm vượt trội Nokia sẽ dễ dàng bứt phá, trong khi RIM mới từ từ xây dựng nền tảng.
Giám đốc Nokia Việt Nam thừa nhận, Nokia tham gia mảng smartphone muộn hơn trong khi thị trường luôn cạnh tranh khốc liệt, vì thế chỉ có tạo ra được bước nhảy vọt thì mới đuổi kịp đối thủ. “Nokia đang đa dạng hoá nền tảng và ứng dụng với kỳ vọng xây dựng một hệ cộng sinh đủ lớn để cạnh tranh với các đối thủ”. Suy cho cùng “cộng đồng” là chung nhưng là đích đến của những chiếc điện thoại mà các hãng đưa ra để cạnh tranh giành thị phần. 90 triệu dân với quy mô thị trường điện thoại hàng năm hơn 1 tỉ USD luôn là nơi hấp dẫn để tìm cách xoay chuyển tình thế. Nhưng trước hết, bước chuyển động của hai tên tuổi khiến thị trường sinh động và hấp dẫn hơn, nhất là thời điểm kinh doanh buồn tẻ như hiện nay.
Theo Tuyết Ân