Trước tình trạng người tiêu dùng Mỹ ngày càng xa lánh với nước giải khát truyền thống, Pepsi đã quyết định bắt tay hợp tác với hãng sữa chua Muller của Đức để mở rộng danh mục đầu tư các loại thực phẩm lành mạnh. CEO của Pepsi Indra Nooyi
Sữa chua hiện đang là một trong những mặt hàng bán chạy nhất trong các cửa hàng tạp hóa ở nhiều quốc gia trên thế giới nói chung và tại Mỹ nói riêng. Theo ước tính của Euromonitor International, thị trường sữa chua Mỹ hiện có giá trị khoảng 7,5 tỷ USD, với tốc độ phát triển trung bình khoảng 8,5% trong vòng 5 năm qua.
Trả lời phỏng vấn của tờ Reuters, CEO Bevmark ConsultingTom Pirko cho biết: “Sữa chua đang trở thành một trong những lựa chọn hàng đầu cho những người đang phải chịu đựng căn bệnh béo phì”.
Trong khi đó, béo phì đang được coi là một “đại dịch” tấn công nước Mỹ với tỷ lệ mắc bệnh béo phì tăng gấp đôi ở người lớn trong 20 năm qua và tăng gấp 3 ở trẻ em, tính trong một thế hệ.
Nắm bắt được cơ hội tăng trưởng lớn tại thị trường sữa chua ở Mỹ, Pepsi đã nhanh chóng chuyển hướng đầu tư vào lĩnh vực này. Giới phân tích cho rằng, bằng việc hợp tác với Muller, kết hợp với việc sử dụng chiến lược tiếp thị riêng của mình, Pepsi đang nỗ lực thực hiện chiến lược “thống trị” thị trường nước giải khát và thực phẩm của Mỹ.
Tuy nhiên, các chuyên gia nghiên cứu cho rằng kế hoạch này của Pepsi không hề dễ thực hiện, bởi người tiêu dùng đang ngày càng chú trọng về chuyện giá cả cạnh tranh, ngay cả khi thị phần của Pepsi đang không ngừng mở rộng và danh tiếng của Muller cùng nhu cầu về sữa chua đang gia tăng.
Hơn nữa, các hãng sữa chua truyền thống tại thị trường Mỹ như Yoplait và Dannon luôn thu hút khách hàng với các chương trình giảm giá sốc. Không chỉ vậy, Chobani, thương hiệu sữa chua của Hy Lạp, cũng thường xuyên áp dụng các chiêu thức khuyến mãi.
Vì vậy, Bonnie Herzog, chuyên gia phân tích của Wells Fargo đánh giá rằng, mức độ thành công của sự hợp tác giữa Pepsi và Muller sẽ phụ thuộc rất lớn vào số hầu bao của “đại gia” giải khát Mỹ cho thương vụ này.
Trong khi đó, CEO của Pepsi, ông Indra Nooyi lại khẳng định hãng sẽ không vội vàng đổ quá nhiều tiền để thúc đẩy thương hiệu, đồng thời cho biết không có kế hoạch tài trợ cho các chương trình quảng cáo rầm rộ để thúc đẩy doanh số bán hàng tạm thời.
Chưa biết Pepsi sẽ xoay sở ra sao với việc chuyển hướng này, nhưng trong bối cảnh kinh tế hiện nay, ngoài sự o ép bởi đối thủ cạnh tranh Coca – Cola, sự bắt buộc hãng phải thay đổi chiến lược còn đến từ chính khách hàng của Pepsi – những người tiêu dùng “thông thái” ngày càng nhận ra rằng, thứ đồ uống màu nâu sóng sánh yêu thích của họ rất có thể sẽ góp phần đưa họ “trở về với đất” sớm hơn dự định.
Theo Songmoi/Reuters