Nhiều chuyên gia tin tưởng, giá vàng đang ở gần mức đáy nhưng năm nay sẽ chưa thoát khỏi tình trạng ế ẩm như thời gian qua.
Theo một cuộc khảo sát mới đây của các hãng tin uy tín, giá vàng đang có triển vọng rất xấu bởi Mỹ sẽ hạn chế dần các chương trình nới lỏng tiền tệ.
Bạc dự đoán cũng sẽ tiếp tục ở mức giá thấp, nhưng triển vọng bạch kim rất khả quan bởi khả năng khan hiếm nguồn cung và tương lai nhu cầu palađi hồi phục cũng sẽ hỗ trợ mạnh mẽ giá kim loại quý này.
Dưới đây là kết quả khảo sát với một số nhà phân tích về triển vọng giá các kim loại quý năm nay và năm tới.
Tom Kendall, nhà phân tích thuộc Credit Suisse
“Chúng tôi không hy vọng giá vàng sẽ tăng bởi khả năng lạm phát ở các nước phát triển là không nhiều, khiến vàng trở nên kém hấp dẫn so với các tài sản khác. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ sẽ dần rút bớt quy mô nới lỏng tiền tệ (QE) khi kinh tế mỗi ngày đều đón nhận thêm những dấu hiệu hồi phục bền vững”.
Daniel Smith, nhà phân tích thuộc Standard Chartered
“Triển vọng giá vàng trung hạn không có biến động lớn. Chúng tôi nhận định thị trường sẽ vẫn xoay quanh mức từ 1.300 USD đến 1.500 USD/ounce trong vòng một đến hai năm tới. Chúng tôi dự báo việc các ngân hàng trung ương tiếp tục mua vào sẽ hỗ trợ giá. Nhu cầu mua vàng ở châu Á cũng duy trì tốt bởi giá thấp”.
Jonathan Butler, nhà phân tích thuộc Mitsubishi
“Quan sát khối lượng giao dịch ở Sở giao dịch Vàng Thượng Hải, chúng tôi cho rằng giá sẽ vẫn thấp trong tháng tới, và có thể thị trường vàng sẽ thiếu những yếu tố tác động. Nhiều nhà đầu tư sẽ tạm ngưng tham gia vào thị trường vàng, và triển vọng kinh tế vĩ mô của Trung Quốc cũng không khả quan, có thể sẽ tiếp tục giảm tốc sẽ tác động lên cầu vàng vật chất”.
Victor Thianpiriya, chiến lược gia hàng hóa thuộc ANZ
“Những rủi ro ở châu Âu giảm dần, và điều này khiến vàng trở nên kém hấp dẫn, trái với việc giá vọt lên kỷ lục cao năm 2011 khi châu Âu vào giai đoạn khủng hoảng đỉnh điểm. Mặc dù bất kỳ thông tin xấu nào từ châu Âu cũng sẽ có lợi cho giá vàng, song chúng tôi dự báo sẽ không có những điều tệ hại như vậy”.
Ross Strachan, kinh tế gia hàng hóa thuộc Capital Economics
“Sau khi giá vàng giảm trong quý 2/2013, cúng ta sẽ không bất ngờ nếu giá hồi phục nhẹ vào nửa cuối năm nay. Một yếu tố nữa có thể hỗ trợ giá vàng tăng là khả năng chính phủ Ấn Độ sẽ nới lỏng chính sách thắt chặt thị trường vàng. Thêm nữa, còn có một số yếu tố vẫn hậu thuẫn giá tăng, chẳng hạn như chính sách tiền tệ toàn cầu vẫn được nới siêu lỏng thêm một thời gian dài nữa”.
David Wilson, nhà phân tích thuộc Citigroup
“Triển vọng nguồn cung bạc từ các mỏ gia tăng và nhu cầu chế tác trì trệ sẽ gây áp lực lên tâm lý các nhà đầu tư bạc, khiến họ giảm đầu tư vào mặt hàng này. Hơn nữa, việc suy giảm nhu cầu vàng như “nơi trú ẩn an toàn” cũng tác động tới thị trường bạc, bởi mối liên hệ giữa hai kim loại quý này rất chặt chẽ. City dự báo giá bạc sẽ tiếp tục giảm từ nay tới cuối năm”.
Suki Cooper, nhà phân tích thuộc Barclays Capital
“Trong báo cáo mới nhất, chúng tôi duy trì quan điểm là sản xuất bạc sẽ tăng mạnh trong năm nay và đạt kỷ lục cao mới, khiến thị trường này tiếp tục dư cung. Mặc dù có một số dấu hiệu cho thấy có sự cải thiện sản xuất công nghiệp, song nhu cầu đầu tư vẫn thấp bởi sự hồi phục còn mong manh. Chúng tôi dự báo giá sẽ còn tiếp tục giảm”.
Bạch kim và palađi được dự báo sẽ có tương lai “sáng” hơn vàng và bạc.
Về bạch kim, các nhà phân tích dự báo triển vọng giá sẽ tăng, nhưng mức độ lạc quan giảm so với 3 tháng trước đây, do nguy cơ giảm nhu cầu trong lĩnh vực ô tô châu Âu và mối liên hệ chặt chẽ giữa bạch kim với vàng – kim loại đang trong giai đoạn giảm giá.
Walter de Wet, nhà phân tích thuộc Standard Bank
“Nhu cầu bạch kim vẫn yếu. Mặc dù có nhu cầu trong lĩnh vực đồ trang sức, song chắc chắn nhu cầu sẽ giảm nếu giá tăng quá mạnh”.
Nic Brown, giám đốc nghiên cứu thuộc Natixis
“Về bạch kim, giá giao dịch hiện khá sát với chi phí sản xuất ở Nam Phi, nơi góp 70% vào tổng cung toàn cầu. Với chi phí sản xuất lên tới 13.000 rand (khoảng 1.300 USD)/ounce, giá không thể giảm hơn nữa. Bên cạnh đó, có nhiều khả năng sản xuất năm nay sẽ tiếp tục gặp trục trặc do một số yếu tố, đáng kể nhất là những cuộc đình công”
Joni Teves, nhà phân tích thuộc UBS
“Rủi ro về nguồn cung vẫn kéo dài sang quý 3 khi những cuộc thương lượng về tiền lương ở Nam Phi vẫn chưa ổn thỏa. Bầu không khí ở đó vẫn căng thẳng. Tuy nhiên, sự gián đoạn nguồn cung cho đến nay không đáng kể, và do vậy rủi ro với giá không quá lớn. Thiệt hại tới sản xuất năm nay có thể ít hơn dự kiến”.
Palađi là kim loại quý có mức tăng giá khả quan nhất trong năm nay, và vẫn đang hướng tới một năm khả quan nhờ nhu cầu tốt trong lĩnh vực công nghiệp và nguồn cung vẫn khan hiếm.
Eugen Weinberg, nhà phân tích thuộc Commerzbank
“Giá bạch kim và palađi chắc chắn bị ảnh hưởng bởi xu hướng giảm giá vàng, nhưng giá hai kim loại này đang được hỗ trợ mạnh mẽ bởi những biến cố ở Nam Phi. Palađi hiện là một trong số rất ít những kim loại có giá tăng từ đầu năm tới nay. Chúng tôi rất lạc quan về triển vọng tăng giá của palađi”
Peter Richardson, nhà kinh tế trưởng chuyên về kim loại thuộc Morgan Stanley
“Chúng tôi vẫn lạc quan về giá palađi, trên cơ sở dự báo thị trường thiếu hụt 1 triệu ounce trong năm 2013 và sự thiếu hụt (sẽ còn tiếp diễn ít nhất tới 2018) do nguồn cung chưa chắc sẽ đáp ứng đủ nhu cầu đang ngày càng tăng”.
Theo Trí Thức Trẻ/Reuters, Bloomberg