Được mệnh danh là ngành công nghiệp “vàng trắng” nhưng từ đầu năm đến nay giá cao su tụt rớt, tồn kho không tiêu thụ được khiến cả doanh nghiệp và công nhân đều lao đao.
Giá cao su xuống đáy
Theo thống kê của Bộ NN-PTNT, ước tính khối lượng xuất khẩu cao su 7 tháng đầu năm đạt 498.000 tấn với giá trị đạt trên 1,21 tỉ USD, giảm 4,5% về khối lượng và giảm 18,4% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2012. Giá cao su xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm đạt 2.540 USD/tấn, giảm 15,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trung Quốc, thị trường tiêu thụ lớn nhất của Việt Nam (chiếm 44,8% tổng giá trị xuất khẩu) cũng giảm 2,9% về khối lượng và giảm 24,1% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái. Thị trường lớn thứ 2 là Malaysia (chiếm 20% tổng giá trị xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm) cũng giảm 7,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái.
Giá xuất khẩu giảm, giá trong nước còn thê thảm hơn. Tại Đồng Nai, giá mủ cao su khô mua vào ở các đại lý chỉ còn 35 -36 triệu đồng/tấn, giảm gần 5 – 6 triệu đồng/tấn so với cùng kỳ năm trước. Ở mức giá này, các vườn cây dưới 10 năm, năng suất chưa cao chỉ huề vốn. Vì vậy, nhiều chủ vườn chọn giải pháp ngưng khai thác để dưỡng cho cây với hy vọng cuối năm giá mủ cao su sẽ tăng.
Ông Võ Hữu Thời ở xã Lộc An, huyện Long Thành, Đồng Nai, cho biết: “Đây là thời điểm giá mủ cao su xuống thấp nhất trong vòng 4 năm trở lại đây”. Tại các tỉnh Tây nguyên, khó khăn của ngành cao su đã dẫn đến tình trạng công nhân cao su bỏ việc. Nhiều nhất là Công ty TNHH MTV cao su Mang Yang với hơn 100 người… Tại huyện Đức Cơ (Gia Lai) – nơi có diện tích cao su tiểu điền khá lớn với hơn 4.200 ha, người dân cũng đang đối mặt với hàng loạt khó khăn.
Lợi nhuận sụt giảm
Theo báo cáo tài chính của CTCP cao su Đồng Phú (DPR), 6 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế đạt 178,7 tỉ đồng, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2012 và bằng 34,7% kế hoạch năm. CTCP cao su Hòa Bình (HRC), con số này chỉ là 31,7 tỉ đồng, bằng 37,3% kế hoạch năm và giảm 55% so với cùng kỳ năm 2012.
CTCP cao su Phước Hòa (PHR) cũng đã giảm tới 50% lợi nhuận khi chỉ đạt 170 tỉ đồng, bằng 34,09% kế hoạch năm. Tương tự, CTCP cao su Thống Nhất (TNC) chỉ đạt 25 tỉ đồng lợi nhuận, giảm 54% so với cùng kỳ năm ngoái. CTCP cao su Tây Ninh (TRC) đạt lợi nhuận đạt 99,5 tỉ đồng nhưng có đến 40% đến từ hoạt động khác.
Theo giải thích của các doanh nghiệp, nguyên nhân chủ yếu khiến lợi nhuận sụt giảm là do giá bán bình quân 6 tháng đầu năm nay giảm mạnh. Giá bán mủ cao su của HRC hiện xấp xỉ 47 triệu đồng/tấn, giảm khoảng 25% so với đầu năm. DPR có giá bán bình quân trong 6 tháng đầu năm là 59,7 triệu đồng/tấn, giảm 9,7 triệu đồng/tấn (-14%) so với cùng kỳ năm ngoái. Giá bán bình quân tháng 6 của PHR giảm hơn 5% so với tháng 5, từ 59,1 triệu đồng/tấn xuống còn 55,96 triệu đồng/tấn. Tính bình quân, giá xuất khẩu cao su trong 7 tháng đầu năm nay đã giảm gần 18% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 2.446 USD/tấn.
Hiện nguồn cung cao su tự nhiên thế giới được dự báo vẫn tiếp tục thặng dư trong năm 2013 và 2014 do nhu cầu chậm lại, đặc biệt từ nước tiêu thụ lớn nhất thế giới – Trung Quốc. Trong bối cảnh thị trường khó khăn như vậy, các công ty cao su Việt Nam càng khó khăn hơn khi vẫn phụ thuộc nhiều vào thị trường biên mậu với Trung Quốc và bế tắc trong việc tiếp cận các thị trường mới.
Trong khi, theo ban quản lý tại các cửa khẩu phía bắc, hoạt động xuất khẩu cao su sang Trung Quốc đang rất bấp bênh, giá cả gần như chịu sự chi phối từ phía các nhà nhập khẩu nước này. Từ đầu năm đến nay, các công ty cao su tại khu vực Tây nguyên ít có đơn hàng đi châu Âu, Mỹ hay Nhật Bản.
Theo Hiệp hội Cao su Việt Nam, đến nay, việc xuất khẩu qua mậu biên sang thị trường Trung Quốc còn khá lớn nên ngành cao su phụ thuộc nhiều vào chính sách mậu biên của Trung Quốc, thường gặp biến động mạnh về lượng và giá khi Trung Quốc thay đổi đột ngột chính sách mậu biên. Do đó cần tăng cường xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc và các thị trường khác để giảm rủi ro và chủ động hơn trong khâu tiêu thụ.
Theo Thanh niên