Công ty chứng khoán nhận định thị trường ngày 26/8/2013

Ẩn số thị trường tuần tới vẫn là 2 từ: Khối ngoại.

Chứng khoán Bản Việt-VCSC: Hiện tượng dò đáy có thể sẽ xuất hiện trên nhóm cổ phiếu Bluechips
Chúng tôi cho rằng nhịp giảm điểm có thể tiếp tục kéo dài trong tuần sau và hai chỉ số có thể hướng về lại các mức hỗ trợ mạnh 466 – 470 của chỉ số VN-Index và 59.5 của chỉ số HNX-Index. Ngoài ra, chúng tôi nhận thấy hiện tượng dò đáy có thể sẽ xuất hiện trên nhóm cổ phiếu Bluechips trong tuần giao dịch tới, nhưng khối lượng dò đáy có thể ở mức thấp. Chỉ báo tâm lý nhà đầu tư đã chuyển sang mức bi quan. Do đó, các nhà đầu tư vẫn nên cân nhắc tận dụng các nhịp hồi để hạ tỷ trọng cổ phiếu về mức thấp và chưa nên bắt đáy trong thời điểm này.
Điểm rủi ro lớn nhất mà chúng tôi nhận thấy là xu hướng rút ròng của khối ngoại sẽ tiếp tục diễn ra, đặc biệt là áp lực bán của 2 quỹ ETF sẽ tiếp nối trong những phiên tới và kịch bản có thể sẽ diễn ra tương tự như tháng 06/2013 như chúng tôi đã đề cập trong những phiên trước đó. Do đó, các nhà đầu tư cần chờ đợi xu hướng bán ròng của khối ngoại kết thúc.

Chứng khoán MB-MBS: Nhà đầu tư cân nhắc không nên vội bắt đáy
Kết thúc tuần, thị trường giảm điểm khá mạnh, đặc biệt là ở sàn HSX. Vnindex hình thành nến đen thân lớn có bấc ngắn. Cây nến này cho thấy bên bán đang áp đảo bên mua. Tuy nhiên chỉ báo kỹ thuật SO cho thấy Vnindex đang ở tình trạng bán quá mức trong ngắn hạn. Tín hiệu này cho thấy khả năng có thể xuất hiện điều chỉnh trong tuần tới. Nhưng nhà đầu tư cân nhắc không nên vội bắt đáy.
Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa lên tiếng cảnh báo rằng các nền kinh tế châu Á khao khát tăng trưởng mà bỏ qua giai đoạn công nghiệp hóa trong lúc chuyển trọng tâm phát triển và muốn nhảy vọt từ nông nghiệp sang dịch vụ có thể rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Theo nhà kinh tế Changyong Rhee, hiện phần lớn các nền kinh tế châu Á đang chuyển hướng trực tiếp từ ngành nông nghiệp sang lĩnh vực dịch vụ, bỏ qua công nghiệp hóa. Tuy nhiên, trong lịch sử, gần như không có một quốc gia nào trở thành nước có thu nhập cao nào mà không tiến hành công nghiệp hóa ở một mức độ đáng kể. Chúng tôi cho rằng Chính phủ Việt Nam hoàn toàn ý thức được vấn đề này, và từ rất lâu, Việt Nam luôn đặt mục tiêu công nghiệp hóa trong chính sách phát triển dài hạn. Tuy vậy, thành quả hiện tại vẫn còn rất nhiều hạn chế do yếu kém về cả nguồn vốn lẫn nguồn nhân lực.

Chứng khoán Đầu tư Việt Nam-IVS: Ẩn số vẫn là khối ngoại
Như vậy thị trường đã đi theo kịch bản thứ 2 mà chúng tôi đã nhắc đến trong tuần trước. Theo đó thị trường sẽ giảm điểm trở lại và các cổ phiếu tăng giá vừa qua sẽ một lần nữa kiểm chứng vùng giá đáy vừa thiết lập. Tuy nhiên, điều mà chúng tôi không ngờ tới đó chính là một áp lực vô cùng lớn lên chỉ số VN-Index do cả bốn cổ phiếu trụ cột: VNM, MSN, BVH và GAS bị bán mạnh. Trong đó khối ngoại là người tiên phong trong hoạt động bán này. Dường như đang có một điều gì đó xảy ra, đặc biệt với cổ phiếu VNM khi mà room cho cổ phiếu này đã hở nhưng lại không có lực mua nào khác bù đắp vào như từng xảy ra trong quá khứ. Trong danh mục bị bán ròng này còn có hàng loạt cái tên cũng có ảnh hưởng lớn đến thị trường như: CTG, DPM, HAG, HPG, ITA, VCB, OGC…
Những hành động bán này của khối ngoại, ban đầu được lý giải có thể do hoạt động để chuẩn bị cho kỳ review tới đây của các quỹ ETFs hoặc là một sự chốt lời. Tuy nhiên, càng về sau mức độ bán này càng tăng lên và mạnh hơn thì dường như câu trả lời không còn nằm ở hoạt động đảo danh mục nữa. Nó có thể bắt nguồn từ những thay đổi trong chính sách tài chính tiền tệ của FED và điều đó khiến cho hoạt động rút vốn của các quỹ xảy ra một cách đồng loạt trên tất cả các thị trường tài chính Châu Á. Hệ lụy đó khiến cho thị trường chứng khoán khu vực giảm điểm suốt một tuần và TTCK Việt Nam có lẽ cũng không nằm ngoài trào lưu này. Như vậy hai tháng qua nếu chỉ nhìn vào chỉ số VN-Index chúng ta đã bị lu mờ hoàn toàn và chắc chắn đã có những đánh giá sai lệch. Trong khoảng thời gian đầu, trong khi chỉ số này cứ liên tục tịnh tiến về vùng đỉnh 508 điểm thì lại có rất nhiều cổ phiếu giảm sâu và xuyên thủng mọi ngưỡng hỗ trợ. 
Còn ở tuần này, khi chỉ số VN-Index giảm mạnh, nó cũng lại bắt nguồn chính từ những cổ phiếu vốn hóa lớn, thì lại không nhiều cổ phiếu sụt giảm mạnh. Nhiều cổ phiếu bật tăng vừa qua vẫn đang lặng lẽ chống cự lại lực bán và đang kiểm chứng vùng đáy. Như vậy, ở lần thứ 2 tiếp cận ngưỡng 508 điểm một lần nữa chỉ số này không những không giữ được mà lại lặp lại kịch bản giảm sâu. Ở lần trước, thị trường giảm điểm do áp lực bán đến từ tất cả các mã cổ phiếu. Còn ở lần này, áp lực đến chủ yếu từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn và các mã nằm trong danh mục của khối ngoại. Điểm vẫn được đánh giá cao là thanh khoản của thị trường vẫn được giữ vững, có nghĩa bên mua bắt đáy vẫn tiếp tục. Ngay cả những cổ phiếu lớn thì hành động này cũng xảy ra, vì thế chúng ta đã thấy được những khối lượng giao dịch đột biến với cả cổ phiếu GAS, VNM hay BVH… 
Những diễn biến trong phiên của thị trường luôn đem đến hy vọng cho NĐT khi tụt giảm sâu vào giữa phiên nhưng lại hồi phục vào cuối phiên giao dịch tạo ra một kỳ vọng cho NĐT. Nhưng câu hỏi đặt ra nếu áp lực bán này vẫn tiếp tục thì liệu NĐT trong nước có đủ sức bắt đáy hay không? và khi áp lực đó quá lớn thì liệu họ có quay ra bán số cổ phiếu đó hay không nhằm tránh những rủi ro? Chúng ta rất khó để xác định là liệu thị trường đã dừng giảm hay chưa bởi chúng ta cũng đang không hiểu vì sao lại có áp lực bán mạnh này. Có một điểm là NĐT cũng nhận ra rằng chỉ số VN-Index không còn chính xác nữa và áp lực bán mạnh chỉ đến với những cổ phiếu nằm trong danh mục của khối ngoại. Đó cũng là lý giải vì sao không phải cổ phiếu nào cũng giảm sâu trong tuần qua. Tuy nhiên với những NĐT thận trọng thì hành động quan sát thị trường là điều nên làm vào lúc này để nắm rõ xem những diễn biến bất thường đó là gì và xu hướng của thị trường thời gian tới ra sao trước khi hành động.

Theo Trí Thức Trẻ/Bản tin các công ty chứng khoán