Góc nhìn của nhà tuyển dụng

Kinh nghiệm là điều cần thiết quan trọng nhưng không phải là tất cả. Yếu tố cốt lõi để nhà tuyển dụng chọn bạn chính là năng lực cốt lõi cộng thêm trình độ ngoại ngữ và ý chí cầu tiến.
Kinh nghiệm từ đâu
Không ai nghĩ những chức danh như lớp trưởng hoặc bí thư, hoặc thành viên một câu lạc bộ đội nhóm là một… công việc. “Liệt kê chức vụ lớp trưởng kèm những công việc cụ thể vào hồ sơ xin việc sẽ cho nhà tuyển dụng thấy bạn có kỹ năng và kinh nghiệm quản lý. Hoặc quá trình vận động tài trợ cho một sự kiện của Đoàn khoa, Đoàn trường chứng tỏ bạn có kỹ năng, kinh nghiệm thương lượng. Những kinh nghiệm, dù nhỏ nhất, cũng được nhà tuyển dụng chú ý” – bà Đỗ Nguyễn Hải Yến nói.
Ông Bùi Đức Chính còn cho rằng một công việc nhỏ như làm việc bán thời gian nhưng nếu làm tốt, rút ra kinh nghiệm, bài học từ đó cũng có thể chứng minh năng lực trước nhà tuyển dụng. “Không một công việc nào không mang lại kiến thức và ích lợi” – ông Chính nói. Với ông Chính, để đạt được vị trí như hôm nay, ông đã trải qua các việc từ gia sư đến bảo vệ, rửa chén, chùi rửa nhà vệ sinh. Ông rút ra bài học: hoàn tất tốt những việc không tên sẽ giúp tích lũy kinh nghiệm cho những công việc cấp cao hơn.
Đó cũng là thông điệp ông Nguyễn Chí Hiếu gửi gắm đến hơn 200 bạn trẻ dự chương trình. Bài học đó được ông rút ra từ khoảng thời gian ông bươn bả chạy bàn cho một nhà hàng ở Vương quốc Anh kiếm tiền nuôi thân, nuôi con đường học nơi đất khách. “Sau một vài tháng chạy bàn, tôi nhận ra kỹ năng giao tiếp, tổ chức công việc và nhìn nhận bản thân tốt hơn hẳn. Những kinh nghiệm quý giá trên đã được tôi trình bày với nhà tuyển dụng trong CV cũng như trong buổi phỏng vấn, và kết quả rất mỹ mãn” – ông chia sẻ.
Kinh nghiệm thôi chưa đủ
Lắng nghe những trao đổi, chia sẻ giữa các diễn giả và các bạn trẻ, ông Vũ Tuấn Anh – giám đốc điều hành Viện Quản lý VN – nhìn nhận: kinh nghiệm có được từ sự trải nghiệm thực tế là cách tốt nhất nhưng chưa đủ. Ở thời đại số này, khi muốn làm ở công ty nào, vị trí nào thì các ứng viên nên tự nghiên cứu và khai thác thông tin qua Internet hoặc tìm hiểu kỹ từ những người đang làm, đã từng làm công việc đó; tham dự các cuộc hội thảo, các chương trình ngoại khóa với nội dung, chủ đề liên quan tới công việc mà người đi trước có khi phải mất cả 10 năm, 15 năm mới đúc kết được.
Bên cạnh các yếu tố về năng lực, kỹ năng… các bạn trẻ còn quan tâm tới việc hòa nhập, thích ứng môi trường làm việc mới. Về khía cạnh này, bà Hải Yến dành lời khuyên rằng: phải chú ý tới trang phục, cách đi đứng, nói chuyện và cư xử lịch sự, đúng mực chứ không thể thoải mái như khi đi học. Mỗi người trẻ phải luôn đặt mình vào vị trí của đối tác, đồng nghiệp để tự học hỏi, điều chỉnh bản thân cho phù hợp.
Bà Hải Yến nhấn mạnh ngoài năng lực, để thích ứng với công việc mới, các ứng viên phải tự trang bị cho mình những kỹ năng cần thiết như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng sáng tạo, kỹ năng giải quyết vấn đề… để gầy dựng được sự tin tưởng từ người lãnh đạo lẫn đồng nghiệp, tạo cơ hội thăng tiến trong nghề nghiệp.
Năng lực quan trọng hơn
Ở góc độ nhà tuyển dụng, ông Vũ Tuấn Anh bày tỏ: các ứng viên đừng quá đặt nặng vấn đề kinh nghiệm mà quan trọng nhất, theo ông, đó là năng lực thật sự.
Ông Tuấn Anh dẫn chứng: “Khi đi xin việc ở một vị trí yêu cầu có kinh nghiệm, nếu ứng viên tự tin nói rằng: “Hãy cho tôi thử việc hai tháng với mức lương bằng 50% với người đã có kinh nghiệm và tôi sẽ làm việc với kết quả bằng 80% so với họ, còn 20% còn lại nhờ công ty đào tạo thêm” thì tôi chắc chắn sẽ chọn ứng viên đó và tôi nghĩ rằng các nhà tuyển dụng khác cũng sẽ không để lọt cơ hội này”.
“Kinh nghiệm là điều cần thiết và quan trọng nhưng không phải là tất cả. Bên cạnh nhiều công ty tuyển cần kinh nghiệm thì tại các công ty có tầm nhìn dài hạn và vĩ mô, thông thường họ sẽ có chương trình tuyển dụng, đào tạo từ đầu các sinh viên mới tốt nghiệp. Khi đó yếu tố để họ chọn chính là năng lực cốt lõi cộng thêm trình độ ngoại ngữ, ý chí cầu tiến” – ông Tuấn Anh nói.

Theo Sinh Viên Plus