Trong thị trường lao động cạnh tranh quyết liệt như hiện nay, người tìm việc phải tìm mọi cách để nổi bật trong đống hồ sơ xin việc và khiến nhà tuyển dụng chú ý tới mình. Tuy nhiên, nhiều người đã mắc sai lầm khi tỏ ra “quá hiếu chiến”.
Kết quả của sự “hiếu chiến” này là bạn có thể bị nhà tuyển dụng từ chối phỏng vấn, vì họ cho rằng bạn không hiểu và không làm theo quy tắc làm việc thông thường.
Vậy như thế nào được coi là “quá hiếu chiến” trong quá trình tìm việc? Dưới đây là một số dấu hiệu:
Ứng tuyển cho tất cả vị trí tuyển dụng của một công ty
Khi cảm thấy lo lắng về công việc, bạn có thể “cố đấm ăn xôi” bằng cách ứng tuyển tất cả vị trí mở mà mình biết. Nhưng nếu ứng tuyển mọi vị trí mở của một công ty, thậm chí dù bạn đủ tiêu chuẩn, nhà tuyển dụng sẽ nghi ngờ về khả năng ra quyết định của bạn. Rõ ràng bạn có thể ứng tuyển 2 – 3 vị trí nếu thực sự đủ tiêu chuẩn nhưng nếu nhiều hơn, họ sẽ nghĩ bạn không hiểu rõ bản thân mình, không biết mình muốn gắn bó với công việc nào.
Liên tục gọi điện hỏi kết quả ứng tuyển
Các ứng viên đôi khi nghĩ rằng gọi điện hỏi thông tin ứng tuyển của mình là thể hiện sự kiên trì và nhiệt tình nhưng hầu hết nhà tuyển dụng cho rằng những cuộc gọi điện đó không có tác dụng mà còn làm hại bạn. Giả sử, mỗi vị trí có 100 người ứng tuyển, nếu ai cũng gọi điện, nhà tuyển dụng sẽ phải dành cả ngày để trả lời các cuộc gọi. Dù bạn muốn kiểm soát quá trình tìm việc của mình nhưng một khi đã ứng tuyển, phần việc còn lại là của nhà tuyển dụng. Họ sẽ chủ động liên lạc lại nếu bạn đủ tiêu chuẩn.
Đột nhiên tới công ty mà không hẹn trước
Ngoại trừ các ngành như bán lẻ và dịch vụ ăn uống, bạn không nên ứng tuyển trực tiếp nếu nhà tuyển dụng không yêu cầu như vậy. Đó là sự phiền toái, thiếu tôn trọng thời gian của người khác và “tố cáo” sự thiếu hiểu biết của bạn về quy trình tuyển dụng. Hơn nữa, vì nhiều công ty chỉ chấp nhận đơn ứng tuyển trực tuyến nên họ thậm chí sẽ không tiếp bạn.
Gian lận để tiếp cận nhà tuyển dụng
Nếu bạn cố gắng thân thiết với nhân viên lễ tân, bảo vệ để biết tới nhà tuyển dụng một cách cá nhân, hay tệ hơn là gọi điện riêng tư hoặc ghi chú trong hồ sơ xin việc của mình những ký hiệu đặc biệt, rồi nhờ người quen “quà cáp” cho nhà tuyển dụng, cơ hội đạt được công việc của bạn sẽ không tăng thêm. Tiếp cận nhà tuyển dụng bằng các trò gian lận không khiến bạn trở nên đặc biệt hơn, nó khiến bạn giống người sẵn sàng nói dối để đạt được mọi thứ mình muốn.
Kết thúc buổi phỏng vấn bằng những câu hỏi nặng nề
Phỏng vấn việc làm không phải là một cuộc mua bán gay cấn, áp lực mà ngược lại. Kết thúc cuộc phỏng vấn với những câu hỏi nặng nề như “Lý do gì mà anh/chị không tuyển tôi vào vị trí này?”, “Tôi phải làm gì để nhận được lời đề nghị công việc?”… sẽ khiến nhà tuyển dụng bực mình. Cuộc phỏng vấn là lần gặp gỡ đầu tiên của hai bên, nếu nó kết thúc với sự căng thẳng, nặng nề, thật khó để có thể tiếp tục làm việc với nhau.
Theo TTO