Thị trường nhượng quyền đang trở nên sôi động tại Việt Nam, đặc biệt là trước làn sóng mở cửa thị trường thương mại tự do Đông Nam Á. Để giảm thiểu rủi ro, theo bà Nguyễn Phi Vân – Tổng giám đốc World Franchise Associates Đông Nam Á, các doanh nghiệp (DN) cần chuẩn bị kỹ 3 yếu tố sau trước khi bước vào “sân chơi” nhượng quyền kinh doanh.
Ảnh minh họa
1. Xác định tính khả thi
Không phải bất cứ ý tưởng, mô hình kinh doanh nào cũng có thể nhượng quyền được. Theo bà Vân thì thực phẩm – thức ăn, bán lẻ và dịch vụ là 3 lĩnh vực kinh doanh dễ nhượng quyền nhất.
Để xác định tính khả thi, DN cần đáp ứng các yêu cầu sau:
Thứ nhất, sản phẩm/dịch vụ phải có điểm độc đáo (bí mật nhà nghề) tạo sự khác biệt vững chắc cho DN trên thị trường.
Thứ hai, đối tượng khách hàng DN hướng đến phải chiếm quy mô lớn trong thị trường. Ví dụ, một dịch vụ cắt tóc cho các siêu sao thì không thể nhượng quyền rộng rãi được bằng dịch vụ cắt tóc bình dân có giá hợp lý.
Thứ ba, DN phải có thương hiệu vững chắc. Vì trong nhượng quyền, người mua bỏ tiền để mua thương hiệu và kiến thức, kinh nghiệm của hệ thống quản trị kinh doanh, trong đó giá trị thương hiệu là yếu tố quan trọng nhất.
Thống kê tại khu vực Đông Nam Á, các DN Việt Nam có giá trị hữu hình cao nhất (75%) nhưng giá trị thương hiệu ở mức thấp nhất (25%) trong tổng giá trị của một DN. Đứng đầu về giá trị thương hiệu là DN Indonesia (65%), theo Brand Value (Singapore). Điều này lý giải vì sao các DN Việt thiên về mua nhiều hơn bán thương hiệu ra nước ngoài.
Cuối cùng, mô hình kinh doanh của DN phải có khả năng nhân rộng. Bí quyết cốt lõi của DN phải chuyển đổi được thành hệ thống đào tạo cho các đối tác khác nhau.
2. Xây dựng/tái cấu trúc DN
“Nhượng quyền là cuộc chơi của tầm nhìn rộng. Hôm nay xây dựng nhưng vài năm sau mới khai thác lợi nhuận được”, bà Nguyễn Phi Vân cho biết. Vì vậy, khi DN đã có mô hình hoặc ý tưởng khả thi thì bước tiếp theo cần chuẩn bị nền tảng cho hoạt động chuyển nhượng trong tương lai.
Cụ thể, các chủ DN cần ổn định “sức khỏe” tài chính cho công ty mình. Các thông tin về chi phí đầu tư, khả năng sinh lời, rủi ro tiềm ẩn… cần công khai minh bạch trước với đối tác để cả hai chuẩn bị cho những phương án tài chính tương lai.
Hai điều quan trọng còn lại cần chuẩn bị là chiến lược kinh doanh và chiến lược nhân sự. DN cần có nhân sự về tài chính, marketing để tập huấn cho nhân viên và quản lý của đối tác mua nhượng quyền. Nếu không đủ nhân sự, hệ thống nhượng quyền sẽ bị “vỡ” khi phát triển ở quy mô lớn.
3. Xây dựng nền tảng hỗ trợ đối tác
“Chỉ cần một đối tác nhận nhượng quyền kinh doanh thất bại, bất kể nguyên nhân là gì, thì cũng sẽ ảnh hưởng lớn đến các đối tác hiện tại hoặc tiềm năng của DN”, vì vậy theo bà Vân, DN cần kỹ khi chọn đối tác.
Các yếu tố cần cân nhắc là: Về tài chính, đối tác có nguồn vốn ổn định, đủ khả năng “cầm cự” trong giai đoạn hoàn vốn không? Về khả năng, tất cả các bên liên quan đến quá trình kinh doanh của đối tác có đồng quan điểm và sẵn sàng hỗ trợ nhau không? Và cuối cùng là đối tác muốn tự điều hành công việc kinh doanh hay chỉ đầu tư vốn sinh lời?
Đối với các đối tác muốn tự kinh doanh, DN cần chuẩn bị kỹ các tài liệu lẫn nhân sự để tập huấn cho cấp quản lý và nhân viên của đối tác về quy trình vận hành của mô hình kinh doanh.
Mặt khác, DN cũng cần hỗ trợ đối tác xây dựng chiến lược marketing. Mỗi cửa hàng cần một kế hoạch tiếp thị khác nhau dành cho các khách hàng khu vực đó.
Nếu có đội ngũ nhân sự tốt, theo diễn giả, DN sẽ cần ít nhất 6 tháng để hoàn thành giai đoạn này.
Hình thức nhượng quyền thương hiệu là mô hình kinh doanh theo hướng đôi bên cùng có lợi. Vì vậy, bà Vân khuyên các DN chỉ nên bước vào cuộc chơi này khi đảm bảo mô hình kinh doanh của mình cũng sẽ mang đến lợi nhuận tương xứng cho đối tác.
Theo DNSG